Hàng không thế giới tìm kiếm giải pháp chung cho nhiễu động không khí

Trong bối cảnh nhiễu động đang xuất hiện ngày một nhiều, ngành hàng không đã và đang thực hiện các bước đào tạo bổ sung để đảm bảo phi công hoặc phi hành đoàn chuẩn bị tốt hơn trong việc xử lý các tình huống nhiễu loạn không khí.

Vào tháng 5 vừa qua, một chuyến bay của hãng hàng không Singapore đã gặp nhiễu động không khí khiến 1 hành khách tử vong và 104 người khác bị thương. Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng liên quan tới nhiễu động không khí, vốn tần suất được các chuyên gia ghi nhận là đang xảy ra ngày một thường xuyên hơn.

Theo Cơ quan Hàng không của Liên hợp quốc, dù nhiễu động không thường xuyên gây ra tử vong, nhưng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các sự cố hàng không, thậm chí là tai nạn. Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường, nhiều sự cố như của hàng không Singapore hoàn toàn có thể xảy ra.

Hàng không thế giới đang phải đối phó với nhiễu động không khí vốn đang xuất hiện ngày một nhiều. Ảnh nh hoạ: Reuters

Ông Phil Seymour, Chủ tịch Công ty tư vấn hàng không IBA chia sẻ: “Hiện nay hàng không toàn cầu đang ngày một phát triển, nhiều máy bay, nhiều đường bay hơn nên khả năng gặp nhiễu động đương nhiên cũng tăng theo. Nhưng biến đổi khí hậu cũng là một phần nguyên nhân chính khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng tới các dòng tia, vốn là nguồn gốc của nhiễu động không khí”.

Nhiễu động không khí là một trong những vấn đề hàng đầu được thảo luận tại Hội nghị hàng không tổ chức bởi Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua.

Theo đài CNA, tại hội nghị, các quan chức trong ngành hàng không, đặc biệt là hàng không Châu Á, đang cố gắng tìm ra giải pháp nhằm giảm thương tích, thiệt hại do nhiễu động. Một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc muốn nhiễu động được thêm vào danh mục trong Kế hoạch An toàn hàng không toàn cầu năm 2026 của ICAO, trong đó nêu rõ các mục tiêu, giải pháp cần được thực hiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng muốn ICAO cải thiện việc phối hợp thời gian thực về chia sẻ dữ liệu thời tiết và nhiễu động xuyên biên giới, với mục đích tạo ra các quy trình cảnh báo dễ dàng truyền đạt hơn tới các phi công để họ có thể ứng phó với tình huống kịp thời. Theo CNA, hiện một số quốc gia Châu Á đã bắt đầu thực hiện quy trình này, trong đó các thông tin được gửi dưới dạng văn bản.

Ông Phil Sheymour cho biết thêm: “Hiện nay đã có các công nghệ giúp nhận dạng nhiễu động. Nhưng với nhiễu động trời trong, công nghệ vẫn còn khá hạn chế. Do đó hiện tại, sự phối hợp giữa các hãng hàng không là cần thiết để phòng tránh các tình huống xấu”.

Công nghệ để đối phó với tình huống nhiễu động trời trong chưa thực sự phát triển

Trong khi các thay đổi an toàn mang tính hệ thống còn chờ được thảo luận, xét duyệt thì hiện các hãng hàng không đang tăng cường tập huấn, cải thiện kỹ năng ứng phó với nhiễu động cho các đội bay của mình.

Tại trường bay Aeroviation, Singapore, các chương trình huấn luyện đã được bổ sung thêm các bài tập liên quan tới đối phó với nhiễu động không khí. Khoảng 20 giờ học bổ sung với nhiều loại máy bay mô phỏng sẽ đưa học viên qua nhiều trường hợp nhiễu động, từ đó giúp các phi công tương lai học được cách xử lý với từng tình huống cụ thể.

Ông Mirza Ariffin, giảng viên cao cấp của trường bay Aeroviation chia sẻ: “Tuỳ thuộc vào kỹ năng, tiến trình của từng học viên, chúng tôi sẽ thay đổi cường độ, tình huống của các bài tập, nhất là kỹ năng hạ cánh, từ đó tăng cường kỹ năng của mỗi người”.

Theo Báo cáo an toàn thường niên năm 2024 của ICAO, nhiễu động chiếm 40% các sự cố, tai nạn liên quan tới máy bay thương mại vào năm ngoái. Số lượng các vụ nhiễu động hàng năm, tính từ năm 1979 đến 2020 đã tăng 55%.

Hiện dù không được chính phủ Nhật Bản yêu cầu những hãng hàng không All Nippon Airways của quốc gia này đang thực hiện việc phát video hướng dẫn an toàn cho hành khách khi xảy ra nhiễu động.

Còn hãng Korean Air của Hàn Quốc cho biết từ hồi tháng 8 đã ngưng phục vụ mỳ cốc ăn liền – một món ăn nhẹ phổ biến tại quốc gia này trên các chuyến bay đường dài như một phần của việc thay đổi quy trình nhằm ứng phó với nhiễu động.

Trong khi các thay đổi an toàn mang tính hệ thống còn chờ được thảo luận, xét duyệt thì hiện các hãng hàng không đang tăng cường tập huấn, cải thiện kỹ năng ứng phó với nhiễu động cho các đội bay của mình. Ảnh: Getty Images

Còn tại Việt Nam, trong báo cáo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Ủy ban ATGT quốc gia đã đề cập đến sự cố hàng không hi hữu khi một máy bay của Việt Nam bay vào khu vực nhiễu động gây ra bởi máy bay khác.

Theo nguồn tin từ Cục Hàng không, sự việc xảy ra ngày 23/5, khi chuyến bay VN-A814 đang trên hành trình từ Mumbai (Ấn Độ) về TPHCM. Khi bay qua Ấn Độ Dương, máy bay bất ngờ gặp nhiễu động, rung lắc và tụt độ cao đột ngột, lệch khỏi đường bay ban đầu.

Điều tra cho thấy, trong quá trình cắt qua nhau, máy bay của Việt Nam đã bị "Wake turbulence" - hiện tượng xảy ra khi một máy bay nhỏ gặp phải dòng khí nhiễu động do một máy bay lớn hơn tạo ra trong quá trình bay gần nhau.

Theo lãnh đạo Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, tình huống Wake Turbulence là rất hiếm, nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Vụ việc lần này cũng may mắn không gây ra thương tích cho các hành khách.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Cục trưởng Cục Hàng không đã đề nghị các hãng bay và phi công tăng cường giám sát trong trường hợp có máy bay cỡ lớn bay ngược chiều ở khoảng cách trên dưới 1.000 feet. Phi công phải chủ động nhận biết tình huống, sẵn sàng ứng phó khi Wake turbulence gây ra tình trạng mất khả năng điều khiển máy bay.