Hàng không thế giới chật vật với tình trạng thiếu máy bay

Trong bối cảnh hàng không thế giới đang khôi phục nhanh chóng, ngày càng có nhiều hãng hàng không muốn đặt mua thêm máy bay. Tuy nhiên, nhiều rào cản do chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến các NSX có thể phải trễ hạn giao máy bay.

 

Mới đây, hãng hàng không Turkish Airlines đã gây sốc khi cho biết đang lên kế hoạch đặt mua tới 600 máy bay mới. Trước đó, hãng hàng không Air India cũng cho biết sẽ đặt mua 470 máy bay mới từ cả Airbus và Boeing. Đó là một trong nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy hàng không thế giới đã thực sự hồi phục hậu đại dịch COVID-19.

Nhưng khi nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh, trong khi ngành hàng không lại đang khan hiếm máy bay, nhiều hãng hàng không đang phải lùng sục khắp nơi để có được máy bay mới, trong khi danh sách đặt hàng của những nhà sản xuất lớn thì cứ tiếp tục kéo dài.

Hàng không thế giới đang trong tình trạng khan hiếm máy bay. Ảnh: Airlines Weekly

Ông Willie Walsh, Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế nhận định: 

“Năm 2022 chúng ta đã thấy các hãng hàng không và cả sân bay đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn lực cả về hạ tầng và con người. Năm nay, hầu hết các sân bay đã khá ổn nhưng vấn đề thiếu hụt máy bay vẫn còn rất nan giải. Các bất ổn về chuỗi cung ứng khiến các máy bay tốn thêm thời gian để bảo dưỡng, sửa chữa, các đơn hàng máy bay mới thì bị trì hoãn.” 

Hãng hàng không Alaska Airlines đang trong quá trình tinh giản 10 máy bay. Tuy nhiên, 10 chiếc máy bay này lại là Airbus A321neo, một trong những loại máy bay thương mại phổ biến và được ưa chuộng nhất. Điều này lập tức đã thu hút các hãng hàng không lớn tìm tới hỏi mua. Tuy nhiên, các thoả thuận này hiện vẫn được giữ bí mật.

Theo Bloomberg, cuộc săn tìm máy bay đang diễn ra trong toàn ngành là kết quả của nhu cầu vượt xa nguồn cung, chưa kể tới tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn chưa chấm dứt. Danh sách đặt hàng của Airbus trong vòng 1 thập kỷ tới thì cứ tiếp tục kéo dài, trong khi nhà sản xuất Boeing thì cho biết họ sẽ không có máy bay nào có sẵn trong vài năm tới.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, Airbus cho biết không thể hoàn thành chỉ tiêu 700 chiếc máy bay trong năm nay vì gặp vấn đề trong chuỗi cung ứng. Nhà sản xuất này đang phải đối diện với lượng đơn đặt hàng tồn đọng lên đến 6.100 chiếc cho dòng A320neo và phải mất 8 năm mới hoàn thành số lượng này.

Nhà sản xuất Boeing cũng không khá hơn khi phải hoãn nhiều đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động của các hãng hàng không. Ông Bob Jordan, giám đốc điều hành hãng Southwest Airlines của Mỹ cho biết:

“Dù chúng tôi đã rất thận trọng khi lên kế hoạch, chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới nhưng động thái hoãn đơn hàng của Boeing đã ảnh hưởng khá nhiều. Chúng tôi sẽ chỉ nhận được khoảng 70 máy bay trong năm nay, do đó kế hoạch tuyển dụng 7 nghìn nhân viên sẽ phải điều chỉnh lại”.

Vào tháng 5 vừa qua, giám đốc điều hành của Boeing, ông Dave Calhoun cảnh báo rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung của ngành có thể kéo dài trong nửa thập kỷ tới. Theo ông, chỉ khi ngành hàng không thực sự ổn định trở lại, thì nguồn cung có thể phục hồi trong khoảng 1 năm rưỡi sau đó.

Vì lẽ đó, những máy bay đã qua sử dụng như của Alaska Airlines đang trở thành giải pháp thay thế. Đầu tháng trước, hãng Lufthansa đã mua 4 chiếc A350 cũ từ  một hãng hàng không Brazil. Hãng hàng không Đức trước đó cũng thu mua các máy bay A350 từ Philippine Airlines bên cạnh các đơn đặt hàng trực tiếp từ Airbus. Trong khi đó, Air Canada đã thuê hai chiếc A330 vào mùa hè này từ Singapore Airlines trong khi chờ giao các đơn đặt hàng mới.

Thiếu máy bay ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều hãng hàng không. Ảnh: The Seattle Times

Không chỉ máy bay đã qua sử dụng, thị trường cho thuê máy bay cũng rất “nóng”.  Theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính hàng không Ishka, giá thuê hàng tháng của máy bay A321neo đã tăng 12% kể từ tháng 1/ 2022, lên 381 nghìn USD, trong khi giá cho thuê của Boeing 737 Max 8 tăng 17%, hiện ở mức 340 nghìn USD.

Dù vậy, theo Bloomberg, tình trạng thiếu hụt máy bay trên toàn cầu hiện tại cũng mang lại một điểm sáng, đó là người lao động trong ngành công nghiệp này có lẽ sẽ khó bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải đang xảy ra gần đây.

Còn tại Việt Nam, dù mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng ngành hàng hàng không thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đây là cơ hội để phát triển lĩnh vực hàng không, nhất là trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai các hợp tác với Tập đoàn Boeing về kế hoạch mua tàu bay. Chẳng hạn, Vietnam Airlines có kế hoạch đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp (B737 MAX8/9/10) cho giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, Vietjet Air đã ký thỏa thuận với Boeing về việc sẽ mua 350 tàu bay các loại B737 MAX cho giai đoạn từ nay đến 2030; Bamboo Airways đã ký hợp đồng với Boeing mua 10 tàu bay B787-9 và thỏa thuận mua 20 tàu bay B787.