Hàng không đồng loạt kêu cứu

Vietjet vừa kiến nghị Chính phủ cho sử dụng gói vay ưu đãi 4.000 tỷ để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hàng không gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh nh họa

Theo lãnh đạo Vietjet, mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp cắt giảm chi tiêu, cắt giảm từ 50-70% lương của đội ngũ quản lý cấp cao, tính lương theo giờ bay của đội ngũ sản xuất trực tiếp… và phát triển mạnh các dịch vụ vận chuyển hàng hóa với mức tăng trưởng từ 25-30%, song, 6 tháng đầu năm Vietjet cũng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Thậm chí Vietjet còn phải chuyển nhượng lại nhiều bất động sản đã tích lũy nhiều năm để cầm cự.

“Quá khó khăn. Tôi nghĩ là có thể là đứng tới một giai đoạn phải giống như bị gián đoạn kinh doanh của các hãng hàng không. Chính phủ các nước cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành hàng không thì ban lãnh đạo của Vietjet cũng mong đợi được sự hỗ trợ như vậy từ Chính phủ vì nếu không thì khi phục hồi thì hàng không của Việt Nam sẽ bị mất thị phần ngay tại chính trên đất nước của mình”, đại diện Vietjet cho hay.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể, đại diện lãnh đạo Vietjet cho rằng, bên cạnh các chính sách giảm về các phí, chẳng hạn phí hạ cất cánh, giảm thuế môi trường 50% đến tháng 12/2020 thay vì mức giảm 30 % từ tháng 3 đến tháng 9/2020 như hiện nay.

Đặc biệt, Vietjet cũng kỳ vọng sự hỗ trợ của Chính phủ, được hưởng gói vay ưu đãi 4.000 tỷ để hỗ trợ cho dòng tiền của Vietjet nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và có sức khỏe để đủ nuôi dưỡng dưỡng cho tương lai lâu dài sau này khi thị trường hồi phục.

Không chỉ Vietjet, trong văn bản “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng cho hay, tuy các hãng hàng không đã tìm mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50-70%; Đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; Bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; Giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên, giảm giá vé... song tất cả đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Từ đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3-4 năm, kéo dài ễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời chỉ đạo giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Thông báo về kết quả kinh doanh, các hãng hàng không liên tục báo lỗ khủng trong nửa đầu năm nay sau nhiều năm làm ăn kinh doanh có lãi. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlineschỉ  đạt doanh thu gần 24.934 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Còn báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - công ty mẹ của Hãng bay Bamboo Airways cũng ghi nhận khoản lỗ 838 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế. Và đây cũng là số lỗ ròng sau 6 tháng đầu năm nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của Tập đoàn.

Các hãng hàng không lớn đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.