Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Ngay khi thông tin hàng quán được phép mở bán trở tại khu vực "vùng xanh", nhiều hàng quán trên địa bàn huyện Gia Lâm Hà Nội đã mở cửa và tấp nập người tới mua mang về.
Chủ cửa hàng phở Duy Hưng, ở Yên Viên, Gia Lâm cho biết:
"Mọi người đều vui mừng vì được ăn phở sau nhiều ngày ăn mỳ, trước bán được 100 bát thì nay bán được 20 bát thôi vì không được ăn tại chỗ. Mua hàng rất thuận lợi, mua hàng hàng ngày nhưng chợ ở ngay đây, không thiếu gì cả"
Tuy nhiên, tại TP.HCM, quán phở Bảy Cù, phường An Lạc, quận Bình Tân, dù đã được chính quyền địa phương thông báo về việc cho phép được hoạt động trở lại nhưng tới nay vẫn chưa dám mở cửa. Nhiều lý do khiến ông Vũ Văn Thọ, chủ quán băn khoăn:
"Bây giờ cái rau, củ, quả thịt giá cũng cao quá, còn cả giá mặt bằng mà mình bán từ 6h sáng đến 6h tối thì hàng bán không có lời, phải chi được bán đến 9-10h thì cũng đỡ".
Chủ tiệm bánh xèo Cô Ba, quận Bình Tân thì cho biết, rất khó để đáp ứng được quy định 3 tại chỗ, và chi phí để tổ chức xét nghiệm cách ngày sẽ rất cao. Hơn nữa, nguồn cung ứng thực phẩm để kinh doanh trở lại chưa dễ dàng như trước giãn cách:
"Bên đây và bên kia là 2 tiệm bánh xèo mà đều chưa bán, chưa rõ tình hình thế nào, chợ đầu mối hoạt động trở lại rồi nhưng không rõ có đầy đủ mặt hàng cho mình bán hay không".
Ông Donic Vũ, sáng lập của Dom Capital, đơn vị sở hữu hơn 1.300 nhà hàng với gần 41 nghìn nhân viên cho biết, dù rất nóng lòng được mở cửa lại nhưng cả những chuỗi nhà hàng lớn cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi thiết kế của một nhà hàng không có khu vực tắm rửa và nghỉ ngơi, do đó không đảm bảo các điều kiện cho "3 tại chỗ". Thời gian bán hàng từ 6h đến 18h là quá ngắn, không đủ để thực hiện các đơn hàng phục vụ cho khách hàng ăn bữa tối. Mặt khác, chuỗi cung ứng hàng hoá, thực phẩm đầu vào cho các cửa hàng vẫn đang bị nghẽn:
"Một là đóng, hai là mở chứ đừng mở hé hé, vì mở hé hé nó tốn chi phí lắm. Ví dụ mở để bán mang đi thì chủ nhà sẽ thu tiền mặt bằng, thêm chi phí xét nghiệm thì đầu vào rất cao trong khi đầu ra chưa có thì lỗ. Nguyên tắc mở là nên khảo sát doanh nghiệp là mở tới mức nào để đầu vào - đầu ra hòa vốn thì mới làm được".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội cho rằng, dịch vụ ăn uống được mở bán mang đi là tín hiệu vui cho thấy các biện pháp đối phó với dịch bệnh dần nới lỏng. Tuy nhiên, chính quyền đứng trước nhiều áp lực để vừa tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trở lại vừa kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng:
"Có những quy định đưa ra nhưng đôi khi làm khó mình, mình phải đặt trong quản lý rủi ro. Trong tình hình hiện nay cần có đánh giá, thử nghiệm ban đầu về các mô hình bởi nếu không lường trước rủi ro thì dịch bệnh lây lan; nếu cứng nhắc thì mặc dù mở mà không ai tham gia thì cũng thất bại. Nên cần rà soát lại và đưa ra các quy định cụ thể".
Kiến nghị với lãnh đạo TP HCM để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống, nhà hàng... đề nghị sớm có chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho lao động trong ngành; nhân sự giao hàng riêng của doanh nghiệp được hoạt động thay cho việc giới hạn chỉ cho tài xế công nghệ thực hiện. Những nhà hàng đáp ứng được 3 điều kiện: tất cả nhân viên đã tiêm ít nhất một mũi vaccine; xét nghiệm định kỳ; và thực hiện nghiêm túc 5K, sẽ không bắt buộc thực hiện "3 tại chỗ"./.