Hà Nội: Đề nghị dỡ biển cấm taxi trên một số tuyến phố

Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các sở ngành đề nghị dỡ biển cấm xe taxi trên một số tuyến phố Hà Nội.

Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị dỡ biển cấm xe taxi tại một số tuyến phố của Hà Nội

Hiện nay một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có biển cấm xe taxi như: Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ dựng biển cấm taxi gồm cả hai chiều, thời gian cấm từ 6h - 9h và 16h30 - 19h30 hàng ngày. Đường Khâm Thiên hướng Khâm Thiên - La Thành cắm biển cấm taxi từ 6h - 9h, 16h30 - 19h30 (trừ ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật).

Bên cạnh đó các tuyến phố: Hàng Bài, Hai Bà Trưng, cầu Chương Dương cũng cắm biển cấm taxi, xe công nghệ hoạt động; trên phố Trần Hưng Đạo, cắm biển cấm taxi một chiều đoạn từ Trần Khánh Dư đến Trần Thánh Tông trong thời gian từ 6h - 19h.

Theo ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, hiện nay số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội có khoảng 12.000 xe chiếm 2,47% lượng xe ô tô con trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại sở GTVT TP Hà Nội đã cấp khoảng 40.000 phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Như vậy số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại Hà Nội gấp khoảng 3,3 lần số lượng xe taxi nhưng biển cấm thì chỉ cấm xe Taxi nên các cấp chính quyền cần nghiên cứu giải pháp hài hòa, đảm bảo lợi ích các bên. Ông Hùng nói:

 

Chúng ta thường nói rằng tỉ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng tại Việt Nam chỉ đạt 6%, tại sao lại thấp như vậy? Chúng ta phải dỡ bỏ điểm cấm ra để tạo cho người ta sử dụng phương tiện công cộng. Taxi là một loại hình vận tải công cộng, các nước phát triển trên thế giới hạn chế xe cá nhân, và người ta xây dựng các luồng tuyến cho taxi. Các cấp các nghành nên tạo điều kiện cho người dân để tiếp cận với doanh nghiệp, đây là nhu cầu.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp taxi cũng chỉ có khoảng 60% số lượng phương tiện hoạt động, doanh thu giảm khoảng 65%.

Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị dỡ bỏ biển cấm taxi bởi số lượng xe taxi ít hơn xe hợp đồng (trong khi xe taxi dễ quản lý, còn xe hợp đồng không quản lý được). Nếu tiếp tục để biển cấm taxi sẽ càng làm gia tăng tình trạng khó khăn cho các doanh nghiệp taxi, tạo nên sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, gây bức xúc cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hùng, xây dựng được cơ chế quản lý tốt các loại hình kinh doanh vận tải, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người dân, đảm bảo các khoản thu ngân sách và đảm bảo được bình đẳng kinh doanh.