Hà Nội chốt phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng

Hà Nội vừa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng có thêm 2 làn xe đạp, vỉa hè dành cho người đi bộ và đài vọng cảnh cho người dân ngắm cảnh...

Phương án thiết kế được lựa chọn làm cầu Trần Hưng Đạo (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Theo đó, phương án được chốt theo ý tưởng từng đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.

Phương án này lấy ý tưởng thiết kế cầu chính dạng vòm thép, với ý nghĩa hướng đến sự thịnh vượng và vĩnh cửu. Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, hai làn xe đạp và vỉa hè người đi bộ. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có hai công viên, tháp ngắm cảnh.

Theo phương án được lựa chọn, cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Cầu Trần Hưng Đạo sẽ nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A).

Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thận.

Phối cảnh phương án đoạt giải nhất mang ý nghĩa "Hà Nội không giới hạn"

Dự kiến cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Cầu Trần Hưng Đạo là một trong 6 cây cầu dự kiến được xây mới trong tổng thể đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000.

Khi hoàn thành, cầu dự kiến giảm tải lưu lượng giao thông cho cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương, rút ngắn thời gian di chuyển từ Long Biên, Văn Giang (Hưng Yên) về Hoàn Kiếm.