Hà Nội: 2.500 tỷ đồng cho dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Về quy mô đầu tư, dự án cầu Vĩnh Tuy có tổng chiều dài lên tới 3.504m, với thiết kế 4 làn xe (2 là xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ)...

Cầu Vĩnh Tuy

Cụ thể, đầu tư xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Về quy mô đầu tư, dự án cầu Vĩnh Tuy có tổng chiều dài lên tới 3.504m, với thiết kế 4 làn xe (2 là xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ), chiều cao thông huyền 10m; bề rộng thông huyền 80m, mặt cắt ngang cầu 19,25m.

Điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khai – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và điểm cuối giao với đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên).

Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông, … và hệ thống đường gom đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 2.540 tỷ đồng và được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ năm 2020 tới 2022.

Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy – Giai đoạn 2, cũng như tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, đảm bảo tính khả thi của dự án.

Đồng thời, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và phê duyệt Dự án theo quy định của Nghị định số 68/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ và các quy định của pháp luật. Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8964/BC-BKHĐT ngày 29 tháng 11 năm 2019.

Tổ chức triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ. 

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.