Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, sửa thế nào để giải ngân tốt? (Phần 2)

Thực tế là dù rất thiếu vốn để phát triển nhà ở xã hội nhưng bản thân doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà với gói tín dụng này bởi thủ tục, lãi suất,… Làm thế nào để các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách tín dụng phát huy được hiệu quả?

  

Ảnh nh họa: Tạp chí Tài chính

Từ thực tế công tác phát triển nhà ở xã hội, cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các chuyên gia đều chỉ ra rằng: Rất khó để có thể vay được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, ngoài chấp nhận chủ trương, cấp phép, chủ đầu tư còn phải thẩm định giá bán, đối tượng mua và nhiều quy định khác. Trong khi đó, người mua nhà cũng phải đáp ứng một loạt điều kiện như chưa có nhà ở và thu nhập dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân…

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: "Gói 120.000 tỷ có lẽ không hấp dẫn với đi vay khó vay và cũng chẳng hấp dẫn với ngân hàng nữa. Theo một con tính của tôi, một người đi vay nếu mua một căn nhà 1 tỷ đồng họ được ngân hàng cho vay 80% là 800 triệu và tôi cứ tính bình quân lãi suất 8% cho vay 15 năm và tôi dùng bảng trả góp thì mỗi tháng họ phải trả cho ngân hàng gốc và lãi 7 triệu rưỡi. Nếu tôi là ngân hàng và cho họ vay thì họ phải có thu nhập 15 triệu để có thể trả cho ngân hàng 7,5 triệu theo tỷ lệ nợ chia cho thu nhập mỗi tháng 50%. Không biết bao nhiêu người nông dân ngoài kia, bao nhiêu người nghèo ngoài kia có thu nhập 15 triệu?".

Trên thực tế, mặc dù Chính phủ đã rất quyết tâm, liên tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, nhưng công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, một số chính sách cần thiết kế lại. 

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh phân tích: "Chúng ta chỉ sử dụng Ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất chứ không sử dụng Ngân sách Nhà nước để cho vay. Tiền gốc cho vay là thực hiện từ phía các Ngân hàng thương mại. Việc này chúng ta phải thực hiện trên cơ sở nguyên tắc thị trường. Tôi cho rằng chúng ta nên tránh áp đặt vào các quy định hành chính vì có thể nảy sinh những rủi ro rất lớn. Đối với nguồn tín dụng này chúng ta nên xem xét trên mấy yếu tố là quy mô, cách thức và quy mô từ phía Nhà nước, thứ hai là quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan tới chương trình hỗ trợ tín dụng cả về mặt cấp tín dụng cũng như việc hỗ trợ lãi suất".

Các chuyên gia cũng cho rằng đây chỉ là một gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Mức giảm lãi suất 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà trên thực tế lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn đối với những người tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

Để gói tín dụng 120 nghìn tỷ đi vào cuộc sống, việc quan trọng nhất là giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay để hỗ trợ người thu nhập thấp. Bởi khi đó không chỉ giúp người dân sở hữu nhà mà khi tỷ lệ bán đẩy lên cao, doanh nghiệp sẽ thu hồi nhanh nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Sau 5 năm lãi suất lại bật lên với mức lãi suất thông thường thế thì tạo ra rủi ro rất lớn. Có lẽ gói này cũng cần phải tổ chức như gói 30 nghìn tỷ. Tức là cũng phải nguồn tài trợ từ ngân hàng nhà nước và NHNN cho vay các ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại dùng tiền này cho vay ngoài xã hội".

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng liên tục đôn đốc các địa phương khẩn trương công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm và có ý định tham gia phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội. Thế nhưng, từ ý định đi đến hiện thực và cho ra sản phẩm là một quá trình dài. Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại mới cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó 12 dự án có nhu cầu giải ngân với số tiền 956 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng có được triển khai hiệu quả hay không, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm củangười đứng đầu chính quyền địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính.

 Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ động cho vay nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 1699 về chấp thuận chủ trương đầu tư có đơn giản các điều kiện, thủ tục đối với chủ đầu tư khi làm các thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, vẫn phải có tên trong danh mục mà tỉnh công bố và phải đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên đà đơn giản hóa thủ tục hành chính thì hiện nay chỉ còn 2 thủ tục thôi, trước đây có cả cấp phép, giải phóng mặt bằng. Như vậy là việc đơn giản thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn".

Bên cạnh đó, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng...

Phía lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có chủ trương sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Những thay đổi đó mong rằng sớm hiện thực hoá để người dân có thể chạm tới giấc mơ “an cư lạc nghiệp”./.

Thông tin trong nước

# Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD, chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô.

Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18 tỷ USD trong 6 tháng. 

Ảnh: Chinhphu.vn

# Trong khi đó, sự khởi sắc cũng đang đến với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến tháng 6, đã có hơn 30 DN đã phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 57,6 nghìn tỷ đồng, gấp 2,18 so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 50% và tổ chức tín dụng chiếm 36%.

Dù mức phục hồi chưa được như kỳ vọng nhưng những diễn biến tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy thị trường này đang dần lấy lại được niềm tin của công chúng. 

# Báo cáo mới đây của CBRE cho biết, mức giá trung bình cho một căn hộ chung cư mới tại Hà Nội đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng còn cao hơn nhiều.

Còn bđs.com.vn cho biết, trong hơn 1 năm qua, loại hình chung cư ở Hà Nội có mức tăng giá 31%, nhưng nhà riêng lẻ còn có mức tăng “khủng” hơn với 32% và đất thổ cư cũng không kém cạnh bao nhiêu với mức tăng 19%.

# Sau khi tăng từ 300 – 500 đồng/lít, giá mới của mỗi lít xăng RON 95 là 23.010 đồng, xăng E5 là 22.010 đồng, dầu diesel là 20.680 đồng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng có 15 lần tăng, 10 lần giảm. Mặt hàng dầu tăng 13 lần, giảm 12 lần.

Thị trường chứng khoán

# Thị trường có phiên giảm nhẹ trở lại với độ biến động dần thu hẹp. Chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1.259 điểm, giảm 2 điểm

# Nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản tiếp tục tạo sức ép lên điểm số, do tác động tiêu cực từ TCB, SSB, BID, VRE, VND. Nhóm Điện, Dầu khí, Vận tải biển có sự suy yếu rõ nét ở POW, PLX, VIP, VOS.

# Theo SSI Reseach, GTGD khớp lệnh sàn HOSE chỉ đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Khối ngoại gia tăng bán ròng 1,1 nghìn tỷ đồng.