Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, sửa thế nào để giải ngân tốt? (Phần 1)

Sau 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã tăng thêm 15.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 135.000 đồng với sự tham gia của 7 ngân hàng. Tuy nhiên, số giải ngân vẫn chưa đạt 1%.

Thực tế việc tiếp cận gói vay của người dân đang có vướng mắc gì? Làm cách nào để thúc đẩy gói tín dụng đi vào cuộc sống thực chất hơn?

 

Từ khi triển khai đến nay, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã hai lần hạ lãi suất, còn 7.5% với người mua nhà, và 8% với chủ đầu tư. Trước thông tin về chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, nhiều người cho rằng mức lãi suất 7,5%/năm cho người mua còn cao.

Như gia đình bà Dịu dự kiến một căn nhà ở xã hội diện tích khoảng 50m2 với giá hơn 600.000.000 đồng và sẽ vay khoảng 300.000.000 đồng. Với mức lãi suất và thời hạn vay 5 năm từ gói hỗ trợ trung bình hàng tháng bà phải trả khoảng 6.800.000 đồng; tiền gốc là 5.000.000 đồng, tiền lãi là 1.800.000 đồng. Trong khi đó thu nhập hàng tháng của bà chỉ khoảng 7 triệu đồng: "Tôi cũng có nhu cầu nhưng mức này hơi cao so với đồng lương của tôi đi làm. Do đó với đồng lương mà tôi đi làm thì khả năng chi trả sẽ hơi kém, không phù hợp"

Ảnh nh họa kinhtedothi.vn

Đề cập đến các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất cho vay bình thường của các Ngân hàng từ 8-9%. Trong khi đó, lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng là khoảng gần 8%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường.

Đây cũng là một trong những lí do doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn. Đó là chưa kể đến hàng loạt thủ tục, điều kiện để được vay rồi việc thanh tra, kiểm tra sau này rất phiền hà. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Quân cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, để được Ngân hàng giải ngân thì phải có dự án được duyệt, bao gồm đất sạch, giấy phép xây dựng… là cả một quá trình. Vấn đề mà người dân và doanh nghiệp lo lắng là sau gói 120 nghìn tỷ này thì có còn gói tín dụng nào tử Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước hay không, vì đây là chương trình xây dựng tới 1 triệu căn nhà ở xã hội và kéo dài đến 2030"

Còn đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội ngay khi có thông tin gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ với mức lãi suất ưu đãi cho các chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản Lan Hưng đã thực hiện làm hồ sơ xin vay 8 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa dự án nào được chấp thuận: "Các ngân hàng thương mại cũng như một số ngân hàng có cổ phần nhà nước thì họ giảm lãi suất nên ảnh hưởng tới lợi nhuận và nguồn thu của ngân hàng. Chính vì vậy họ cũng không mặn mà gói này nên khó cho doanh nghiệp tiếp cận. Thứ 2 nữa là để doanh nghiệp bỏ một khoản tiền ra đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì lợi nhuận chỉ 10% thôi"

Hiện nay cơ sở pháp lý về nhà ở xã hội đang dần được điều chỉnh. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm dự án bất động sản bị vướng về pháp lý, trong đó có nhiều dự án nhà ở xã hội. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã làm hỗ sơ nhưng chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mà chờ các Luật có liên quan đến nhà ở xã hội mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực mới thực hiện dự án.

Tuy nhiên, ngay từ khi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được công bố, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả khi triển khai vào thực tiễn.  Theo tính toán của Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, nếu gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được 4 ngân hàng quốc doanh triển khai thì mỗi năm, các Ngân hàng này sẽ phải dành 1.500 đến 2.000 tỷ đồng, đồng thời phải mất thêm chi phí để thực hiện: "Phần mà các Ngân hàng thương mại chịu như vậy thì Nhà nước có hỗ trợ như thế nào để tạo đồng lực? Riêng về mức lãi suất thấp hơn mức cho vay thông thường từ 1,5-2% tôi cho rằng hơi thấp một chút. Chúng tôi cho rằng, nên cân nhắc nới thêm để gói hỗ trợ này có thể đến gần hơn với công nhân lao động và người thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định"

Còn theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, nếu chỉ trông chờ vào gói tín dụng này, thì khó đạt mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030: "Gói 120.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại có ưu đãi chứ không phải là gói tín dụng cho một chính sách kinh tế nhân văn, nên rất khó, khó cả Ngân hàng, khó cả doanh nghiệp và khó cả người dân. Với mức lãi suất hơn 8% kéo dài trong khoảng 3 năm, sau đó sẽ theo cơ chế thị trường. Đối với doanh nghiệp và người dân đã mặn mà chưa, tôi cho rằng họ chưa mặn mà"

Thực tế là dù rất thiếu vốn để phát triển nhà ở xã hội nhưng bản thân doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà với gói tín dụng này bởi thủ tục, lãi suất,… Làm thế nào để các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách tín dụng phát huy được hiệu quả?