Tuy vậy, cùng với việc thí điểm hướng tuyến mới, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, để nâng cao hiệu quả quản lý vận tải, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Cách đây 8 năm, Hà Nội đã thực hiện một cuộc “đại phẫu” trong quản lý hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, bằng cách thực hiện quy định về hướng tuyến. Theo đó, các xe khách từ hướng Nam sẽ vào các bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm; các xe từ hướng Bắc vào các bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Gia Lâm.
Theo quy định này, hàng loạt doanh nghiệp từ phía Nam đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình phải di chuyển về bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát và ngược lại.
Quy định này đã góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc cho khu vực nội thành Hà Nội, nhất là đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, khi không còn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm qua Thành phố.
Đến thời điểm này, việc duy trì luồng tuyến vận tải hành khách tuyến cố định theo hướng tuyến vẫn thể hiện nhiều lợi ích. Bởi, hành khách dễ dàng xác định được tuyến đường, thời gian di chuyển và bến đỗ phù hợp, tạo ra sự ổn định trong hoạt động vận tải, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tăng cường hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, việc duy trì luồng tuyến cố định theo hướng tuyến cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, giảm thiểu xung đột luồng phương tiện và tối ưu hóa hệ thống giao thông đô thị. Trong bối cảnh nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đối mặt với ùn tắc nghiêm trọng, việc đảm bảo sự ổn định này là rất quan trọng.
Tuy vậy, sau 8 năm thực hiện, việc thí điểm cho phép phương tiện chạy từ phía Tây sang phía Nam hoặc ngược lại mở ra cơ hội linh hoạt hơn cho doanh nghiệp vận tải và hành khách. Điều này giúp hành khách từ phía Nam đi lên các tỉnh phía Bắc tiết kiệm được thời gian, chi phí và giảm sự bất tiện khi phải chuyển bến.
Thêm nữa, việc thí điểm cho xe khách từ hướng Tây về phía Nam sẽ giúp kiểm tra khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải thực tế tại các tuyến đường có doanh nghiệp tham gia thí điểm, đặc biệt trong dịp cao điểm lễ tết.
Ngoài ra, lâu nay, nhu cầu của hành khách tại các hướng tuyến được thí điểm là có, từ đó, doanh nghiệp vận tải vẫn hoạt động “chui” để đáp ứng nhu cầu này. Bởi vậy, việc mở rộng thí điểm cũng là biện pháp để quản lý hiệu quả với các doanh nghiệp này, giảm thiểu rủi ro cho hành khách.
Bởi vậy, một số chuyên gia cho rằng, các tiêu chí đối với việc thí điểm mở tuyến mới phải rõ ràng, nh bạch. Như với tuyến đi Sapa, đây là điểm du lịch thu hút lượng khách du lịch cao thì cần thí điểm, mở thêm các tuyến vận tải mới để “chia lửa” là cần thiết. Cũng cần đặc biệt lưu ý, việc mở tuyến sẽ dễ tạo ra tiền lệ, một nơi thí điểm sẽ có thêm nhiều nơi muốn mở theo kiểu “trăm hoa đua nở”.
Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng quản lý chặt, có kiểm tra, kiểm soát, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất của tuyến vận tải. Thậm chí, từ kết quả thí điểm, nếu khả quan, có thể nhân rộng mô hình bến ảo, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải vào bến một cách cứng nhắc.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát huy tối đa hiệu quả trong việc duy trì và thí điểm, mở tuyến mới. Các dữ liệu đã lắp đặt trên phương tiện lâu nay như: GPS, thiết bị giám sát hành trình, camera… sẽ giúp cơ quan chức năng nắm bắt tình hình giao thông, số lượng phương tiện hoạt động cũng như nhu cầu đi lại của người dân.
Từ những dữ liệu này, cùng với nhu cầu của các doanh nghiệp vận tải và người dân, cơ quan quản lý có thể vạch ra những luồng tuyến có thể cho phép thí điểm hoặc mở mới, với điều kiện áp dụng nghiêm ngặt các công nghệ giám sát để đảm bảo không xảy ra xung đột giao thông, trên cơ sở tối đa hóa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Việc duy trì luồng tuyến vận tải hành khách tuyến cố định theo hướng tuyến là cần thiết để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của hệ thống giao thông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vận tải ngày càng đa dạng, việc thí điểm mở rộng luồng tuyến cần được thực hiện một cách thận trọng, có sự hỗ trợ từ công nghệ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương liên quan.
Chỉ khi đó, hệ thống vận tải mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách, đồng thời góp phần giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.