Giảm giá điện có phải là giải pháp căn cơ?

Bên cạnh gói hỗ trợ từ Chính phủ, người dân cần làm gì để có thể giảm thiểu chi phí về điện trong thời buổi khó khăn như hiện nay?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Gần một tháng người dân TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu thời gian là sinh hoạt ở nhà, các thiết bị điện gia dụng cũng vì thế mà hoạt động liên tục với công suất cao, kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng, các khoản sinh hoạt phí cũng theo nhau tăng vùn vụt, trong khi đó không đi làm thì thu nhập lại giảm.

Đây là nỗi lo không chỉ của một, hai gia đình:

“Do dịch, mình mất việc làm nên cũng khó khăn lắm. Bao nhiêu tiền dành dụm giờ cũng phải chi trả tiền ăn, ở, điện, nước”.

“Ai cũng mong tiền điện, tiền nước giảm để giảm chi phí ”.

Ảnh nh họa: Hoàng Anh - Báo Kinh tế đô thị

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phê duyệt mức giảm giá điện cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng Chỉ thị 16. Về mức hỗ trợ giảm giá điện áp dụng cho 2 tháng 8 - 9, đối với những hoá đơn của khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng giảm 15%. Đối với hoá đơn sử dụng trên 200 kWh/ tháng giảm giá 10%.

Chị Nguyễn Thị Sen, chủ một nhà cho thuê tại khu vực quận Tân Bình cho biết: “So với các tháng trước thì tiền điện gần đây tăng đáng kể. Tháng 4, tháng 5 tiền điện khoảng 1,9 triệu thì tháng 6,7 tiền điện lên đến 2,5 triệu.

Giờ nhiều người thuê nhà họ đang nghỉ việc không lương nên mình cũng hỗ trợ. Tới đây, chính phủ và ngành điện cũng đã có chính sách giảm giá điện thì người dân rất  mừng, yên tâm.”

Theo GS.TS. Vũ Gia Hiền, quyết định của Chính phủ về việc giảm giá điện cho người dân là một hỗ trợ kịp thời: “COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả mọi người. Trong đó, khó khăn thường xuyên mỗi gia đình phải chịu là tiền điện, nước. Đây là một trong những hỗ trợ chính xác nhất gần nhất, hỗ trợ ngay đời sống trực tiếp. Giúp cho tất cả các gia đình đều được hưởng chế độ chung.”

Trong những đợt dịch trước, tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã thực hiện 2 đợt ưu đãi về giá điện với số tiền 13.800 tỷ đồng và tại TP.HCM là 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4, số tiền hỗ trợ theo ước tính của EVN lên đến 2.500 tỷ đồng. Cũng trong đợt dịch thứ 4 này, cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá điện từ hình thức kinh doanh sang sản xuất, các khu cách ly, khu khám, chữa bệnh tập trung cho bệnh nhân nhiễm COVID – 19, cơ sở cách ly không thu phí với mức giảm 20% - 100%. 

Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, việc giảm bớt những thiết bị lãng phí điện khi không cần thiết cũng là một biện pháp không kém phần quan trọng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM khuyến cáo: “Điện sinh hoạt có nhiều lên, người dân ở nhà bật máy lạnh, xem ti vi, nấu ăn nhiều lên. Chúng tôi cũng khuyến cáo là nên thực hiện 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu”. Vào mùa mưa nếu mát thì tận dụng gió trời, giảm sử dụng máy lạnh làm sao  để tiền điện hợp lý không tăng quá cao.”

Bên cạnh các hỗ trợ, người dân cũng cần có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Bởi lẽ, những biện pháp dù thiết thực đến mấy, nhưng tâm lý lãng phí vẫn còn tồn tại thì chi phí sinh hoạt hàng tháng nói chung và chi phí điện nói riêng tại các hộ gia đình vẫn sẽ leo thang.