Vậy Thành phố đã có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội? Và người dân liệu có thể dễ dàng tiếp cận với các căn nhà ở xã hội này?
“An cư lạc nghiệp” – từ ngàn xưa đã là ước mơ, là mục tiêu phấn đấu của biết bao thế hệ. Nhưng nơi đất chật người đông, giá nhà đất cao ngất ngưởng như TP.HCM, giấc mơ ấy dường như quá xa vời đối với nhiều người. Từ chi phí sinh hoạt đắt đỏ đến tiền thuê nhà chiếm phần lớn thu nhập đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên bấp bênh, chật vật.
Anh Nguyễn Văn Khi – tài xế taxi công nghệ than thở: “Người thực sự có nhu cầu mua thì thời điểm có dự án mình lại không đủ tiền mua tới khi mình đủ tiền mua thì bị đầu cơ rồi nâng giá nhà lên quá cao so với thời điểm hiện tại”.

Ngoài vấn đề tiền bạc thì các thủ tục hành chính, điều kiện để sở hữu nhà ở xã hội cũng đang là rào cản đối với nhiều người lao động hiện nay.
Anh Hoàng Sơn - nhân viên văn phòng chia sẻ: “Đầu tiên là tiền, thứ hai là các loại thủ tục giấy tờ. Mình thấy hiện tại vẫn còn khá khó khăn khó để tiếp cận với những nhà ở cho người có thu nhập thấp như bây giờ”.
Để giải quyết "cơn khát" nhà ở cho người thu nhập thấp, trong năm 2025, trên địa bàn thành phố dự kiến có 04 dự án hoàn thành với quy mô 2.874 căn và 08 dự án khởi công với quy mô là 7.945 căn. Như vậy, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 dự án nhà ở xã hội và 01 dự án nhà lưu trú công nhân (hoàn thành 5.619 căn). Để hiện thực hóa những con số này, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã nổ lực trong việc "trải thảm đỏ" cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ: "Thành phố đã làm việc với 11 doanh nghiệp và liên đoàn lao động thành phố, qua đó, các doanh nghiệp căng ký thực hiện đầu tư xây dựng khoảng là 40.000 căn hộ. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đang xây dựng kế hoạch để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà xã hội đối với ba khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý bởi quy mô khoảng 3.000 căn".
Không chỉ tập trung tăng nguồn cung, TP.HCM còn thể hiện quyết tâm hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội bằng các chính sách thiết thực bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các dự án, thông qua các nghị quyết cụ thể, tạo điều kiện tối đa cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Ông Nguyễn Văn Hoan chia sẻ thêm: "Ngoài ra, HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư do HFIC (Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh) cho vay. Trong đó có cơ chế hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho vay thực hiện dự án nhà xã hội. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất và thành phố cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà xã hội theo tình hình thực tế, khả năng đáp ứng của thành phố".
Có thể thấy rõ quyết tâm của thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chính sách "trợ lực" đã được ban hành, như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng; hỗ trợ về thuế... Những chính sách này như "liều thuốc kích thích" cần thiết, tạo động lực cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách tín dụng ưu đãi, vốn đóng vai trò như "mạch máu" quan trọng trong việc phát triển nhà ở xã hội, cũng đang đặt ra những thách thức. Lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hiện nay là 6,6%/năm, tăng đáng kể so với mức 4,8% trước đây. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và nguồn vốn hạn chế.
Ông Bùi Văn Sổn – Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, lý giải về mức lãi suất này: "Việc lãi suất cho vay hộ nghèo theo chuẩn quốc gia là 6,6% thì ngân hàng chính sách xã hội trên cơ sở đó sẽ áp dụng lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội là 6,6%/năm. Chứ ngân hàng chính sách xã hội không đặt ra được đề xuất này".
Các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội dù đã được nới lỏng, mở ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để đạt được hiệu quả thực sự, cần có sự phối hợp đồng bộ và thực thi quyết liệt từ phía chính quyền cũng như các doanh nghiệp liên quan:
“Giải pháp lớn nhất hiện nay đó là khâu thực thi pháp luật của các bộ ngành và đặc biệt là chính quyền của các địa phương. Để thực hiện được mục tiêu phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội thì chúng ta phải giải quyết 4 vấn đề lớn đó là phải có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, phải có chính sách ưu đãi về thuế đối với chủ đầu tư và đối với người mua nhà ở xã hội, phải có chính sách ưu đãi về tín dụng đối với chủ đầu tư và đối với người mua nhà ở xã hội, và cuối cùng là chúng ta phải cải cách triệt để về thủ tục hành chính.”
Bài toán "an cư" cho người lao đông tại TP.HCM đang dần có lời giải khi gần 3000 căn hộ hoàn thành trong năm nay sẽ là điểm sáng, nhưng để ánh sáng ấy lan toả, cần một chiến lược dài hơi, sự quyết liệt trong thực thi và đồng bộ trong chính sách.
Nhà ở xã hội – “Gần mà xa, xa mà gần”
Nhiều năm qua vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH) luôn là một chủ đề nóng tại các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM. Dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và các bộ ngành thế nhưng giấc mơ an cư lạc nghiệp từ nhà ở xã hội vẫn xa vời với nhiều người lao động, dù nguồn cung đang dần được cải thiện.
Dù chỉ một vài tiếng than thở của người lao động trong phóng sự thế nhưng đó cũng là tiếng lòng của hàng ngàn người đang "gồng mình" với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giá nhà đất "trên trời". Trong số đó, rất nhiều người lao động khao khát một mái ấm ổn định, thế nhưng với những đồng lương ít ỏi, bấp bênh cộng thêm lãi suất khá cao, thủ tục phức tạp… là những rào cản vô hình khác đang khiến giấc mơ ấy trở nên xa vời.
Và giữa những khó khăn, thử thách ấy, tin vui về 4 dự án hoàn thành với 3.000 căn và 8 dự án khởi công với quy mô 7.945 căn tại TpHCM như một "liều thuốc bổ" tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho những người lao động. Góp phần giải quyết "cơn khát" nhà ở cho người thu nhập thấp, hiện thực hóa mục tiêu "an cư lạc nghiệp" cho mọi người dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vì một vài tín hiệu tích cực mà vội vàng lạc quan. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai và đầy thử thách. Giá nhà, dù là NƠXH, vẫn là một bài toán khó đối với nhiều người lao động. Mức thu nhập khiêm tốn của họ khó lòng theo kịp tốc độ tăng giá nhà, dù là nhà ở phân khúc bình dân. Quy trình xét duyệt, mua bán NƠXH, dù đã được cải thiện, vẫn còn những điểm cần phải tiếp tục đơn giản hóa, nh bạch hóa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Bên cạnh đó việc tiếp cận thông tin về các dự án NƠXH, về điều kiện mua, về quy trình đăng ký... cũng cần phải được cải thiện hơn nữa, để đảm bảo rằng mọi người lao động đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận với NƠXH. Và trên hết, 3000 căn hộ, dù là một con số đáng khích lệ, vẫn còn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế khổng lồ của thị trường.
Để 3.000 căn hộ NƠXH này, và những dự án tiếp theo, thực sự trở thành "tổ ấm" cho người lao động, TP.HCM cần một "làn gió mới" mạnh mẽ hơn, cần có một cơ chế tài chính linh hoạt, sáng tạo, không chỉ dừng lại ở các gói vay ưu đãi truyền thống. Mô hình thuê mua, trả góp dài hạn, quỹ hỗ trợ nhà ở... cũng cần được nghiên cứu, triển khai để phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng lao động, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính. Ngoài ra các quy trình, thủ tục cũng cần được "cởi trói" tối đa, giúp người dân dễ dàng đăng ký, theo dõi, và được xét duyệt một cách nh bạch, công khai, nhanh chóng.
Về phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần được "tiếp sức", được khuyến khích tham gia phát triển NƠXH bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục... Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ dự án, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Gần 3.000 NƠXH hoàn thành trong năm nay có thể được xem là dấu mốc quan trọng trong hành trình “an cư lạc nghiệp” của người lao động TP.HCM. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Để giấc mơ về một mái ấm riêng không còn là điều xa xỉ, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của doanh nghiệp, và sự chủ động của chính người dân.
Hy vọng rằng với những chính sách đúng đắn và cả hành động quyết liệt từ chính quyền và doanh nghiệp, sẽ sớm hiện thực hóa giấc mơ “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030”. Và khi đó, người lao động mới có thể thực sự “an cư”, để rồi từ đó “lạc nghiệp”.