Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

TP.HCM cần tận dụng tốt thời cơ để phát triển đô thị theo định hướng TOD

Huy Hoàng: Thứ sáu 07/03/2025, 12:51 (GMT+7)

Vẫn còn quá nhiều thách thức trong triển khai phát triển TOD tại TP.HCM, trong đó trình tự thủ tục là vướng mắc quan trọng nhất và mất nhiều thời gian nhất...

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (hay còn gọi là TOD - Transit Oriented Development) được TP.HCM xác định là hướng đi cần thiết để phát triển nhanh và bền vững. Chủ trương này cũng đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm 1 số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023. Tuy vậy việc hiện thực hoá chủ trương này cho đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. 

 

hon-40-nghin-luot-hanh-khach-moi-ngay-tren-tuyen-metro-so-1-ben-thanh-suoi-tien-1717

Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã mang lại những tín hiệu vô cùng tích cực. Có những ngày hành khách đi tàu đạt hơn 275.000 lượt khiến đơn vị quản lý phải cho vận hành gần 250 lượt chạy tàu, vượt rất xa so với kỳ vọng.

Theo ông Phan Công Bằng – Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM, tiềm năng phát triển của đường sắt đô thị tại TP.HCM là rất lớn, cần phải có nguồn vốn lớn lẫn cách làm phù hợp:

"Để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, phải phát triển đô thị theo định hướng TOD. Chúng tôi đều đã có những phương án nghiên cứu và các đề án để đề xuất. TOD vừa phát triển không gian đô thị của thành phố, vừa tạo nguồn vốn để có thể đủ đầu tư hệ thống đường sắt đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng khác nữa".

Phân tích rõ hơn về lợi ích của mô hình phát triển đô thị TOD, Tiến sĩ – Nguyễn Hoàng Tùng – Phó nhóm TOD Chương trình thành phố xanh và hạ tầng (GCIP) cho rằng mô hình này sẽ chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng, tăng cường khả năng tiếp cận giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông và các chi phí đi lại cho người dân:

"Về lợi ích kinh tế, thông qua việc đầu tư và phát triển các đô thị xung quanh các nhà ga, depot sẽ tạo ra các động lực phát triển kinh tế mới. Bên cạnh đó, thông qua việc chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng cũng như phát triển theo định hướng bảo vệ môi trường thì sẽ đạt được những mục tiêu về môi trường cũng như lợi ích xã hội khi các đối tượng yếu thế sẽ được tiếp cận việc làm, dịch vụ xã hội 1 cách công bằng, tăng cường sự hoà nhập, tương tác".

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng các kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định sự thành công của các tuyến metro luôn gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị trong “bán kính vàng” với khoảng cách trên dưới 500m xung quanh các nhà ga, depot metro. Đây cũng là những địa điểm phù hợp để phát triển các dự án nhà ở xã hội hay dự án nhà ở thương mại thu hút đông đảo người dân sinh sống.

Ông Châu cho rằng, thời gian qua tại TP.HCM dù đã có nhiều dự án nhà ở hình thành dọc theo hành lang các tuyến giao thông có sức chở lớn, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao:

"Trong một quá trình dài chúng ta chưa có được quy hoạch đồng bộ các nhà ga metro hay lối ra của các đường cao tốc nên chưa phát huy được hết phương thức phát triển đô thị theo hướng TOD, nhà nước vì thế cũng chưa thu được nhiều lợi ích trong phát triển TOD".

TP. Thủ Đức sẽ phát triển mô hình TOD dọc metro số 1 và Vành đai 3. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

TP. Thủ Đức sẽ phát triển mô hình TOD dọc metro số 1 và Vành đai 3. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Dù Nghị quyết 98 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023, tuy nhiên đến nay theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM thì mới chỉ có quận Tân Phú, huyện bình Chánh và TP Thủ Đức có các kế hoạch và quyết định có liên quan đến phát triển TOD, mới có 30% địa phương có báo cáo rà soát quỹ đất và 1 nửa trong số đó có kế hoạch triển khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng việc triển khai mô hình TOD trên thực tiễn còn nhiều vướng mắc:

"Cơ chế triển khai TOD hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố chưa thích hợp, còn kéo dài. Ý tưởng phát triển và giải pháp thực thi tại các khu vực TOD chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu sâu. Ngoài ra việc xác định các cơ chế tài chính, các quy trình pháp lý, kỹ thuật để triển khai một cách toàn diện, hiện thực hoá một dự án TOD là chưa khả thi trên thực tế".

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng vẫn còn quá nhiều thách thức trong triển khai phát triển TOD tại TP.HCM, trong đó trình tự thủ tục là vướng mắc quan trọng nhất và mất nhiều thời gian nhất, ngoài ra vẫn còn 1 điểm nghẽn rất lớn khác đòi hỏi phải có một cách làm hoàn toàn khác mới có khả năng thành công:

"Vấn đề giải toả đền bù để tạo quỹ đất. Giải toả để làm tuyến đường đã khó và việc giải toả để phát triển đô thị thương mại dịch vụ nhà ở lại cực kỳ khó và là bài toán rất lớn. Chưa kể TP.HCM muốn phát triển hệ thống đường sắt đô thị hay lớn hơn là quy hoạch không đồng nghĩa với việc vẽ trên 1 tờ giấy trắng mà đã là 1 tờ giấy đã vẽ lung tung rồi".

Ngày 19/2/2025 vừa qua, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết 188 về thí điểm 1 số chính sách đặc thù đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM, theo đó Quốc hội yêu cầu đến năm 2025 TP.HCM phải có 355km metro. Trước đó vào cuối năm 2024, TP.HCM cũng đã công bố 11 vị trí phát triển TOD dọc theo các tuyến đường sắt đô thị cũng như Vành đai 3.

Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thì đây là 1 nhiệm vụ rất quan trọng với khối lượng công việc đặc biệt lớn nhưng cũng rất mới mẻ:

"Chúng tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học hỏi, trao đổi tiếp thu kinh nghiệm của các nước, các đô thị đi trước. Thành phố rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ, nguồn vốn đầu tư của bạn bè quốc tế để phát triển TOD ngay từ giai đoạn phát triển đường sắt đô thị thuần tuý sang mô hình TOD ở giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý, phương án tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng như chuẩn bị nguồn nhân sự để vận hành, bảo trì hệ thống giao thông công cộng hiện đại".

Từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm qua, Bà Alexandra Smith - Tổng Lãnh sự Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại TP.HCM cho rằng TOD là mô hình mà Vương quốc Anh đã áp dụng thành công trong nhiều năm qua và hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay tại TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung:

"Vương quốc Anh sẵn sàng đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông và xây dựng nền tảng TOD để giúp cho TP.HCM xây dựng một hệ thống đường sắt đô thị hiện đại và bền vững, bao gồm Phát triển Đô thị theo Định hướng Giao thông TOD. Chúng tôi tin rằng TOD sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM và giảm dấu chân carbon của thành phố này".

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cần tận dụng tốt thời cơ để phát triển đô thị theo hướng TOD

Nghị quyết 98 của Quốc hội khoá XV được xem là tiền để quan trọng để TP.HCM có thể phát triển, bứt phá. Ở đó, một trong những yêu cầu hết sức rõ ràng là TP.HCM phải sắp xếp, hình thành không gian thành phố khoa học, hiệu quả nhằm tạo dư địa phát triển, đẩy nhanh xây dựng mô hình TOD gắn với chỉnh trang đô thị, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn lực để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Nghị quyết 98 có hiệu lực, việc triển khai TOD tại TP.HCM trên thực tế vẫn còn khá chậm chạp.

Từ thực tiễn hoạt động của tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên cũng như nhu cầu đi lại bằng đường sắt đô thị rất cao của người dân, rõ ràng TP.HCM phải nhanh hơn nữa trong việc triển khai các dự án metro còn lại. Việc hoàn thành mục tiêu 355km đường sắt đô thị đến năm 2035 cần nguồn vốn đặc biệt lớn cùng quyết tâm rất chính trị rất cao. Vì thế, càng sớm hiện thực hoá các dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD thì TP.HCM sẽ càng nhanh chóng có được công cụ quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của tiến sĩ Trần Du Lịch rằng TP.HCM cần phải có 1 tư duy hoàn toàn mới nếu không muốn nói là hoàn toàn khác so với trước khi thực hiện Nghị quyết 98 nói chung, mô hình TOD nói riêng. Nói nôm na là không thể phát triển đường sắt đô thị thông minh bằng tư duy “xe đò chụp giật”, hay không thể phát đô thị TOD đông đúc hiện đại nếu vẫn còn cách nghĩ “phân lô, bán nền”.

TP.HCM đang nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng và Nhà Nước, được cụ thể hoá bằng các căn cứ pháp lý quan trọng như Nghị quyết 98, Nghị quyết 188 của Quốc hội về phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, cùng với các căn cứ quan trọng khác của Bộ Chính Trị, Trung ương, Chính phủ… đây là cơ hội không thể tốt hơn để TP.HCM tăng tốc phát triển vì cả nước, cùng cả nước trong kỷ nguyên mới.

TP.HCM không chỉ phải bước tới mà cần bước nhanh hơn với những suy nghĩ mới hơn, quyết liệt hơn để sớm có được một mô hình đô thị TOD cụ thể, qua đó tạo bàn đạp cần thiết để thúc đẩy nhanh hơn các dự án tương tự. Hơn hết là “phải bàn làm, không bàn lùi” thì mới không để bỏ lỡ thời cơ quan trọng này.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Thính giả Tống Minh (Hà Nội) hỏi: "Tôi có người bạn thay đổi màu sơn ô tô nhưng không qua thủ tục đăng ký, kiểm tra. Vậy bạn tôi có thể bị xử phạt như thế nào?"

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

Qua rà soát, TP.HCM có hơn 60.400 cơ sở nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó hơn 15.700 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 930 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vẫn áp dụng song song thu tiền mặt, cùng với sự giám sát thiếu chặt chẽ, khiến tình trạng thu sai vẫn diễn ra.

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) dự kiến sẽ chính thức chuyển đổi hệ thống bắt đầu từ ngày 30/4-4/5 và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 5/5 tới.

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

Mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú... tạo điều kiện cho người đi đường và khách du lịch có thể sử dụng nhà vệ sinh tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.