Giá cau “chạm đỉnh” người trồng chớ “đua”

Giá cau lập kỷ lục trong nhiều ngày, giữ giá tới 90.000đ/kg, trong khi mức bình thường chỉ là 10.000 -20.000đ/kg. Tuy nhiên, tin tức gần đây cho thấy giá thu mua cau đang có xu hướng giảm dần, điều này đã cho thấy thị trường cau chưa bao giờ được xác nhận là là ổn định...

Ông Nguyễn Ngọc Tần, nhà vườn tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trồng cau trên diện tích 30 công đất, xen với cây bưởi da xanh. Theo lời ông Tần, cau là cây dễ trồng, chi phí thấp, cho thu nhập quanh năm nên nhà vườn ở Tiền Giang nhân rộng trồng xen canh với các loại cây khác hoặc trồng bờ ranh.

Ở thời điểm này, giá 40 nghìn đồng/kg, tăng gấp 6-8 lần so cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này mỗi kg cau trái có lãi trên 30 nghìn đồng. Chỉ cần giá cau trên dưới 10 nghìn đồng/kg là người trồng đã có thu nhập quanh năm. Ngoài bán trái cau tươi, trái cau già còn làm giống bán với giá từ 20-30 nghìn đồng/cây:

Ông Nguyễn Ngọc Tần cho biết: “Cau năm nay do tôi có để làm giống nên đợt thu hoạch cao điểm được 2,8 tấn, năm rồi cao điểm thu hoạch được 3,8 tấn. Tùy theo tháng, mỗi tháng cắt 4 lần, tuần lễ cắt 1 lần. Năm nay, tôi dự tính giá thấp nhất cũng là 15 nghìn đồng/kg nhưng mà cuối cùng nó nằm giá 25 nghìn đồng/kg rồi đi lên. Tôi đánh giá từ nay đến tháng 4 năm tới sẽ có giá hơn 100 nghìn đồng/kg không có xuống nữa. Còn bưởi thì đang xử lý, qua tháng 4 năm tới thì cây bưởi đều trái đều vườn hết đó”.

Khác với ông Tần, nông dân Trần Thành Tuấn ở Kế Sách, Sóc Trăng đã gắn bó 40 năm với nghề trồng cau. Nhưng chính ông đã nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” bởi giá cao thấp chạm đáy. Những lúc ấy, ông tự nghĩ ra cách để duy trì nghề này: Phải trồng chuối, đu đủ và nuôi ốc cùng một lượt với trồng cau để lấy ngắn nuôi dài. Cau của mình lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, khi họ không ăn là giá chỉ còn 500 đồng/kg. Miền Tây mình trồng cau quá nhiều, tôi bán cây giống tôi biết, nhiều người trồng tới 4.000 cây.

Giá cao non trong 2 ngày đã giảm 50.000 đồng/kg, từ 90.000 còn 40.000.

Khoảng 10 năm nay, mô hình trồng cau được nhiều nông dân ở các tỉnh ền Tây như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người trồng. Mặc dù vậy, nhiều nông dân lo lắng trước sự phát triển ồ ạt của mô hình trồng cau, bởi đầu ra tiêu thụ cau trái chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Điển hình như mới đây, sau khi lập đỉnh 90.000 đồng/kg được 3 – 4 ngày thì giá cau lại giảm khoảng 20.000 đ/kg trong 2 ngày. Nhiều vùng trồng cau thưa bóng thương lái. Bản thân thương lái Trung Quốc đi thu mua cau những ngày này cũng liên tục hóng chờ tin tức thu mua từ các công ty ở “nhà”.

Việc cau sốt giá trong vụ vừa rồi được lý giải là nguồn cau nội địa của Trung Quốc không đủ đáp ứng nhu cầu cho việc chế biến mặt hàng kẹo cau, một loại kẹo bình dân và có tác dụng chống lại cái lạnh. Câu chuyện giá cau vụ này “lên đỉnh” rồi bất ngờ “quay xe” đã cho thấy sự đầy bất trắc, đầy rủi ro từ nhiều năm nay đối với mặt hàng này.

Ông Nguyễn Đức Thanh, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cây cau mà trúng mùa nhiều lắm cũng chỉ được 2 năm, rồi nó sẽ tắt nghẽn liên tục 3-4 năm. Giá cả thì thấp, nên mình đừng nên dựa vào nó toàn bộ. Chính vì vậy nên mình phải xen canh các cây khác trồng chung với nó”.

Theo khuyến cáo từ nông dân có kinh nghiệm, thì cau chỉ nên trồng xen canh để kiếm thêm thu nhập. Không nên phá vườn trồng cau toàn bộ.

Cây cau phải được trồng từ 3 – 5 năm mới khả dĩ cho ra sản phẩm. Việc phát triển vùng cây cau chuyên canh tại các địa phương cũng không mấy khả thi bởi đầu ra cho trái cau có thể nói là rất hẹp.

Trong khi đó, quả cau Việt Nam chưa thuộc diện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thế nên những làn sóng sốt giá cau như vụ cau vừa rồi vẫn là đi theo con đường tiểu ngạch. Việc người dân các vùng thấy lợi ngắn hạn từ trái cau tự phát đổ xô đi trồng đã đặt ra cho các ngành chức năng bài toán khó trong quản lý.

Lời giải cho bài toán cây cau trước sau vẫn phải là bài toán xuất khẩu chính ngạch, như đã từng làm với các loại quả khác của Việt Nam, mới mong tính toán hiệu quả.

Bài học thị trường từng xảy ra với những mặt hàng lạ từng hút thị trường Trung Quốc như móng trâu, lá điều tươi, giun đất, đỉa, ốc bươu vàng… giá từng cao ngất ngưởng trước khi giá cả lao dốc không phanh đã từng là lời cảnh báo đắt giá cho việc quá phụ thuộc vào một thị trường.

Để đến khi thị trường bất ngờ “quay xe” cũng là lúc người nuôi trồng trở tay không kịp, chỉ còn nước đắng lòng ngồi nhìn sản phẩm nâng niu bao nắng mưa trở thành đống sản phẩm lạc lõng, thậm chí không nơi tiêu thụ ngay trên thị trường trong nước.