Gara kiểm định ô tô: Việc sửa chữa phải đi chỗ khác

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, quan trọng nhất là bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô từ nay sẽ được phép tham gia kiểm định xe. Tuy nhiên, vẫn cần phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại nghị định này.

Quy định này được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe. Để có cái nhìn rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

 

Ảnh nh họa 

PV: Thưa ông, với việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được phép tham gia kiểm định xe, theo ông cần đặt ra những yêu cầu gì?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Về Nghị định 30 của Chính phủ theo tôi là một biện pháp tình thế, nhưng cần thiết, để huy động mọi lực lượng trong xã hội tham gia vào việc nâng cao năng lực, kỹ năng của vấn đề đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, phải lưu ý mấy điểm sau.

Thứ nhất, trạm nào cũng phải đủ điều kiện. Điều kiện là gì, là thứ nhất là con người phải có năng lực, phải có đạo đức, kỹ năng để mà đăng kiểm. Mỗi trạm đăng kiểm ít nhất phải có một kỹ sư về cơ khí ô tô để mà đảm đương cái việc đăng kiểm đó đúng, đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo an toàn của phương tiện.

Thứ hai, các thiết bị quy chuẩn để mà đo đếm, kiểm tra phương tiện phải đảm bảo. Cái thứ ba là phải thường xuyên kiểm tra những cái điều kiện cần thiết của một trạm đăng kiểm, khi đã trở thành trạm đang kiểm. Tức là gì, là phải đảm bảo trách nhiệm kiểm tra đầy đủ, không hạch sách, không gây ra những vấn đề tham nhũng, tiêu cực và phải đảm bảo cái năng suất, cũng như là chất lượng kiểm định phương tiện.

Nếu có sai phạm thì phải xử lý ngay, thậm chí là cách chức ngay những người ở đó, thì mới đảm bảo được trật tự đăng kiểm.

PV: Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, quy định này có thể sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở bảo dưỡng sẽ đưa ra yêu cầu phải thay thế phụ tùng mới được kiểm định xe, ông nghĩ sao về điều này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, khi chuyển trạm sửa chữa sang đăng kiểm thì nó phải biệt lập, chứ không phải là chung chạ, vừa sửa chữa, vừa đăng kiểm được. Nó phải chuyển hoàn toàn thành đăng kiểm. 

Và đã chuyển hoàn toàn thành đăng kiểm thì cứ theo quy chế của đăng kiểm, theo tiêu chí của đăng kiểm, chứ không thể là lộn xộn được. Việc sửa chữa phải đi chỗ khác và không sửa chữa, không liên quan gì đến đăng kiểm cả. Còn nếu anh sai phạm là rút giấy ngay và phải có xử lý ngay.

Theo tôi vấn đề kiểm tra, giám sát, chế độ chính sách phải đi với nhau thì mới đảm bảo được chất lượng của công tác đăng kiểm.

Tức là vấn đề quản lý nhà nước phải tốt, chứ không lo cái chuyện là cái trạm sửa chữa đó nó sẽ nhập nhằng, rồi thế này thế nọ, thì theo tôi nếu chúng ta làm tốt, xử lý tốt thì không sao cả.

PV: Xin cảm ơn ông!