Đặc biệt cần chú trọng phòng ngừa sớm từ mỗi gia đình ra sao để góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, về việc sử dụng bia rượu và nguy cơ mất an toàn giao thông?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trước kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, chị Trần Thị Minh Thu, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội luôn canh cánh nỗi lo chồng sẽ uống nhiều rượu bia khi về quê trong dịp này: "Nghe đâu đó đã có các cuộc hẹn gặp nhau họp lớp rồi. Có khi 4 ngày nghỉ thì có 8 bữa rượu bia.
Việc này để can ngăn rất khó bởi mình nói thì người khác không hiểu lại bảo quản lý quá. Bây giờ nói cũng không biết nói thế nào nên nhìn lịch họp lớp của chồng mà căng thẳng".
Nhà chị Thu không phải trường hợp hiếm gặp khi vào mỗi dịp lễ, Tết với những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để tụ tập, họp lớp, gặp mặt anh em bạn bè nên việc sử dụng rượu bia là không tránh khỏi.
Từ thực tế công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giao thông, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn còn gặp nhiều khó khăn: "Lực lượng CSGT Hà Nội đã tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Ngoài tuần tra trên đường còn cắm chốt tại vị trí cố định, nhưng việc xử lý vi phạm nồng độ cồn còn gặp khó khăn, người vi phạm thường hay đôi co, đưa ra các lý do để không chấp hành đo nồng độ cồn dẫn đến việc kiểm tra mất nhiều thời gian".
Trong khi đó, lực lượng CSGT còn mỏng và thực thi nhiều nhiệm vụ khác nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn không xuể. Điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là một hành vi nguy hiểm, đe dọa an toàn của mọi người nhưng nếu chỉ áp dụng biện pháp "cứng" là kiểm tra, xử lý thì nhiều trường hợp người vi phạm bất hợp tác với lực lượng chức năng nên việc giải quyết phức tạp, mất nhiều thời gian.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, người uống rượu bia thường có tâm lý nghĩ mình vẫn tỉnh táo, có thể làm chủ được hành vi, nên họ vẫn chủ quan lái xe sau khi uống rượu bia, thậm chí coi đây là việc chứng nh rằng mình không say. Do đó, để ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng rượu bia ở người điều khiển phương tiện giao thông, cần sự quan tâm, nhắc nhở từ trong chính gia đình.
Ông Hòa rất lo ngại trước thực tế nhiều gia đình thờ ơ thậm chí đồng tình với việc sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông của người thân trong gia đình: "Khi thấy người thân sử dụng rượu bia mà còn lái xe thì phải khuyên là không nên, chả hay ho gì việc đó cả, nhiều người như thế mà bị tai nạn rồi.
Cái lo của những người trong gia đình rất có tác dụng bởi người có hơi men là huênh hoang nhưng có người thân cản trở thì họ mới thấy đó điều không đáng khoe khoang, là điều xấu hổ.
Không có gì hiệu quả bằng những lời lẽ phải từ những người thân yêu bởi không ai muốn gặp rủi ro cả".
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc sử dụng bia rượu trong những cuộc vui, những buổi gặp gỡ sau nhiều ngày xa cách trong các dịp nghỉ Lễ, Tết là điều không cần hạn chế, nhưng pháp luật đã quy định rõ, người đã uống rượu bia dù ít, dù nhiều đều không được phép sử dụng phương tiện.
Điều này, trong mỗi gia đình, trong tập thể bạn bè đều cần lưu tâm để nhắc nhở nhau uống rượu bia có kiểm soát, không tham gia giao thông để tránh gây tai nạn đáng tiếc.
"Cái này cần nhận thức của toàn dân về vai trò của rượu bia bởi đôi khi trong một tập thể nào đó vẫn coi uống được rượu nhiều là anh hùng, chúng ta phải thay đổi nhận thức rằng rượu bia chỉ có vai trò là một chất kích thích và khi nào nên dùng và khi nào không nên dùng. Nếu trong cuộc liên hoan không ai điều khiển phương tiện, chúng ta hay vui ở chừng mực nào đó", TS. Khương Kim Tạo nói.
Cùng với việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông và xã hội về nguy hại khi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, đơn vị sẽ triển khai nhiều biện pháp với quyết tâm ngăn chặn lái xe sử dụng rượu bia khi lái xe trong dịp nghỉ Lễ này:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch kiểm tra xử lý người điều khiển phương tiện trên đường có nồng đồ cồn, kế hoạch đảm bảo ATGT trong dịp nghỉ Lễ, trong đó lực lượng CSGT sẽ làm tốt nhiệm vụ chủ động phòng ngừa và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn để đánh giá đúng tình hình nhằm đưa ra các giải pháp để kiềm chế, giảm TNGT, đặc biệt là các tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ nồng độ cồn".
Sau mỗi dịp nghỉ Lễ, tai nạn giao thông được ghi nhận là tăng đột biến tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân trực tiếp từ việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Dù đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng có lẽ sẽ hiệu quả hơn với những giải pháp đồng bộ để tạo ra sức mạnh tổng thể, trong đó phòng ngừa sớm từ gia đình là "sức mạnh mềm" để thay đổi hành vi của mỗi người trước các cuộc vui.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 20 người chết vì tai nạn giao thông. Con số đó đã để lại bao đau thương cho người thân, gia đình các nạn nhân và gây sốc cho cộng đồng.
Thế nhưng, tai nạn giao thông luôn có xu hướng tăng vào những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ thuận với số lượng người sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông trong dịp này.
Nhiều chiến dịch tuyên truyền phòng chống việc lạm dụng rượu bia ở người điều khiển phương tiện giao thông được triển khai, nhiều đợt ra quân xử lý các vi phạm đã được thực hiện nhưng tình trạng vi phạm vẫn luôn diễn biến phức tạp và các "ma men" vẫn vô tư ra đường.
Đó là bởi, từ lâu nay thói quen sử dụng rượu bia đã ăn sâu vào văn hóa của nhiều người, một bộ phận nam giới uống rượu bia để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” của mình nên họ không quan tâm đến những tác hại của việc lạm dụng rượu bia và hậu quả của nó khi liều lĩnh tham gia giao thông.
Vài năm gần đây, xu hướng phụ nữ sử dụng rượu bia cũng không phải là hiện tượng hiếm gặp, trong khi các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng rượu bia thì dễ mất kiểm soát lý trí, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi uống rượu bia rồi tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, nếu chỉ trông mong vào một biện pháp là các kế hoạch, chuyên đề xử lý của lực lượng chức năng thì không xuể và không triệt để nên các biện pháp dài hạn, giải quyết từ gốc mới là mấu chốt của vấn đề. Điều này cần có sự chung tay của mỗi gia đình, của toàn xã hội.
Theo đó, mỗi thành viên trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, con cái cần quan tâm, nhắc nhở người thân trước mỗi cuộc nhậu, để người thân của mình hiểu rằng, say rượu có thể mất kiểm soát, có thể có những hành vi lệch chuẩn và đặc biệt là nguy cơ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.
Làm thế nào để người tham gia giao thông nhận thức được tác hại thực sự của bia rượu khi tham gia giao thông, và để họ tự giác có biện pháp đảm bảo an toàn khi có cuộc vui thì chỉ có các thành viên thân thiết trong gia đình nhắc nhở "mưa dầm thấm lâu" mới mong có sự chuyển biến. Từ chỗ thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng bia rượu ở người tham gia giao thông đến thay đổi hành vi là cả một quá trình dài và cần nhiều thời gian.
Một điểm đáng lưu tâm là Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã quy định: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia nhưng rất khó thực hiện bởi theo các dân nhậu "ép nhau uống thêm là điều rất bình thường" mà khó ai có thể theo dõi xử phạt.
Vậy nên, rất cần có sự thay đổi nhận thức mạnh hơn từ những người sử dụng rượu bia, từ những người anh em, bạn bè, họ hàng để mỗi cuộc vui dù lớn hay nhỏ thì mọi người đều có cách ứng xử và sử dụng rượu bia phù hợp.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, tỷ lệ tai nạn giao thông thường tăng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, nên những lời nhắc nhở ngay từ bây giờ không còn là sớm để bảo vệ sức khỏe của người thân, để ngăn ngừa những "ma men" ra đường trong những ngày mà nhu cầu tham gia giao thông rất lớn.