Thực tế cho thấy, cuối năm là thời điểm người lao động dễ "dao động" nhất. Sau một năm làm việc, họ có xu hướng nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá lại vị trí, năng lực của bản thân và cân nhắc những cơ hội mới.
Thị trường lao động cuối năm cũng vì vậy mà sôi động hơn với nhiều lời mời chào hấp dẫn, mức lương, thưởng, phúc lợi tốt hơn. Thêm vào đó, tâm lý "ăn Tết xong nghỉ việc" cũng khiến không ít người quyết định "nhảy việc" sau kỳ nghỉ dài.
Thực ra, chuyện nhân viên "đứng núi này trông núi nọ" cũng chẳng có gì xa lạ trong suốt thời gian qua. Ai mà chẳng muốn mình được đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra? Vấn đề là, nhiều doanh nghiệp dường như chỉ giật mình, chợt tỉnh khi thấy nhân viên dứt áo ra đi.
Câu hỏi làm gì để giữ chân người lao động được đề ra trong suốt nhiều năm, nhiều biện pháp đã được các doanh nghiệp thực hiện như nâng mức thưởng tết, tổ chức tiệc tất niên, tặng vé xe về quê… thế nhưng “căn bệnh chảy máu chất xám” vẫn cứ tái diễn mỗi năm.
Thiết nghĩ việc "giữ chân" người lao động hiệu quả, doanh nghiệp cần có chiến lược tổng thể, kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, hãy quan tâm đến người lao động một cách toàn diện. Mức lương, thưởng cạnh tranh, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội thăng tiến rõ ràng... là những yếu tố "cơ bản" để thu hút và giữ chân người lao động hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động thông qua các hoạt động tập thể, chương trình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ gia đình,...
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của người lao động. Sự ghi nhận, khen thưởng kịp thời, công bằng là "liều thuốc" tinh thần mạnh mẽ, tạo động lực để người lao động cống hiến hết mình. Doanh nghiệp nên có những hình thức khen thưởng phù hợp, tổ chức các chương trình vinh danh người lao động xuất sắc, tạo điều kiện cho họ phát triển năng lực.
Bên cạnh đó việc xây dựng văn hóa làm việc, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người lao động cần được chú trọng. Mỗi người lao động cần cảm thấy mình là một phần quan trọng của doanh nghiệp, được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin thường xuyên sẽ giúp người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Riêng về phía người lao động nên “cẩn tắc vô áy náy” trước khi quyết định "nhảy việc" cuối năm, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá thực tế tình hình công việc hiện tại, khả năng tìm kiếm công việc mới và những rủi ro có thể gặp phải sau khi từ bỏ công việc hiện tại.
"Nhảy việc" là một hiện tượng phổ biến trong thị trường lao động, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết. Để giữ chân người lao động, thay vì chạy theo những "phương thuốc" chữa cháy tạm thời các doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững để giữ chân nguồn nhân lực.
Bằng cách tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, nơi người lao động được ghi nhận, tôn trọng và có cơ hội phát triển, doanh nghiệp sẽ xây dựng được đội ngũ nhân sự vững mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Có như vậy mới mong điệp khúc “xuân này con không về”…công ty, không còn vang lên sau mỗi kỳ nghỉ tết.