Đồng USD liên tục mạnh lên: Những thách thức đối với kinh tế Việt Nam

Trong một động thái được thị trường dự báo từ lâu, FED đã nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75 điểm phần trăm lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đồng USD vẫn sẽ tăng giá, mặc cho những dự báo lạm phát của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 và việc FED có thể dừng hoặc chậm lại việc tăng lãi suất, là nhận định của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan, hiện là chuyên gia cấp cao tư vấn kinh tế của Advisors Capital Management: 

"Chính sách thắt chặt tiền tệ của FED sẽ khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống kinh tế để giảm lạm phát. Quá trình này được song hành cùng tăng lãi suất cao và nó sẽ khiến cho đồng USD tăng cao trong năm nay, kể cả sau khi hoạt động tăng lãi suất được dừng lại. Một vấn đề hệ trọng dễ thấy là việc tăng sức mạnh cho đồng USD khiến bảng cân đối kế toán của FED bị thu hẹp 95 tỉ USD/tháng. Đây là một phần của việc thắt chặt tiền tệ".

Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ gây khó khăn cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Bởi đồng USD càng mạnh thì giá nhiên liệu càng cao, đặc biệt là khí đốt tự nhiên. Theo ông Greenspan, nhiều công ty Mỹ đã ghi nhận khó khăn trong bán hàng trên phạm vi quốc tế vì đồng USD tăng cao.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi tác động. Theo các chuyên gia phân tích, đồng VND vẫn còn chịu tác động từ diễn biến mạnh lên của đồng USD trong những đợt tăng lãi suất của FED sắp tới.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: "Từ nay đến cuối năm, FED còn khoảng 2-3 cuộc họp, do đó khả năng tỷ giá đồng đô la Mỹ sẽ có diễn biến mạnh. Chính vì vậy các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục theo dõi những diễn biến này để có ứng phó kịp thời bởi những áp lực tăng giá đồng USD chắc chắn vẫn còn".

Ảnh nh hoạ: VOV

Trong khi đó, đề cập đến những áp lực đối với tỷ giá trong nước từ nay tới cuối năm, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: "Áp lực đầu tiên là đến từ các cú sốc chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, đơn cử là Mỹ. Thứ 2 là từ giờ đến cuối năm chúng ta sẽ có thêm áp lực nữa là nhu cầu về NK. XK của chúng ta từ giờ đến cuối năm cũng đang ghi nhận những sức ép và những khó khăn. Tất cả những yếu tố đó có thể khiến tỷ giá cuối năm chịu nhiều áp lực".

Theo thống kê, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam là được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài.

Và trong bối cảnh, hầu khắp các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng mạnh lãi suất, mức tăng 1% mà NHNN thực hiện và nới biên độ tỷ giá giữa đồng VND/USD có thể thích ứng hiệu quả với những diễn biến của kinh tế thế giới.

Phân tích những tác động đến kinh tế Việt Nam khi đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua, Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực:

"Tác động thứ nhất đó là mặt bằng lãi suất ngoại tệ bằng USD đã và đang tăng lên. Từ thực tế dẫn đến tác động thứ hai là khiến cho nghĩa vụ trả nợ trong bối cảnh nợ công toàn cầu hiện nay đang ở mức tương đối cao khoảng 100% GDP. Tác động thứ ba đó là đối với tỷ giá, giá trị đồng USD tăng mạnh thời quan vừa qua trong bối cảnh tăng lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá so với đồng USD".

Cũng theo TS.Cấn Văn Lực, tác động cuối cùng liên quan đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư đó là sẽ có khá nhiều khoản đầu tư quay lại thị trường Âu-Mỹ, nơi mà lãi suất tăng lên và rủi ro chấp nhận được. Với Việt Nam chúng ta tác động cũng có nhưng ít hơn do được dự báo triển vọng phục hồi tương đối tích cực.

Tuy nhiên, biến động tỷ giá cũng tác động không nhỏ đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần ứng phó ra sao trước bối cảnh này? 

Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục thông tin đến quý thính giả.