Doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với thách thức nào cuối năm? (Phần 1)

Những tháng cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Thông tin trong nước và quốc tế

Ảnh nh họa

# Tổng kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2023 sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm nay, tập trung kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

# Còn theo Bộ Tài chính, lần đầu tiên trong 10 năm qua, thu ngân sách đã về đích sớm 1 tháng, thu về tới gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với dự toán.

# Hiện TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về XNK với kim ngạch trên 100 tỷ USD, xếp sau là Bắc Ninh và Bình Dương.

# Còn theo thống kê, 60% DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh. Đây là mức cao nhất trong khu vực ASEAN. 

# Một số ngân hàng thương mại dự báo, với những biến động trên thế giới, có thể lãi suất huy động giai đoạn này đã ở mức đỉnh và có khả năng hạ nhiệt sau quý I/2023. 

# Với lĩnh vực BĐS, CBRE dự báo, xu hướng giảm giá bán hoặc chiết khấu của chủ sở hữu BĐS sẽ ngày một rõ nét hơn trong bối cảnh thị trường khát vốn trầm trọng như hiện nay. 

# Trong kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm, giá xăng-dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp từ chiều nay, với mức từ 300-500đ/lít.

Sau khi giảm, mỗi lít xăng E5 còn còn 19.970 đồng, xăng RON-95 là 20.700 đồng. Riêng dầu diesel chỉ giảm nhẹ 70 đồng, xuống còn 21.600 đồng/lít. 

Container hàng hóa được xếp tại cảng Hanjin Incheon, Seoul, Hàn Quốc.

# Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu đã bắt đầu đà suy giảm từ quý 3 năm nay, và dự kiến tổng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm ở giai đoạn cuối năm. 

# Còn Morgan Stanley dự báo, xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước phát triển sẽ không dừng lại cho đến giữa năm 2023.

# Theo Bộ Kinh tế Nga, lạm phát của nước này đang ở mức 12% và dự báo lạm phát đến cuối năm nay của Nga là 12-13%. 

# Còn theo khảo sát của Wall Street Journal, đa số người Mỹ cho rằng nền kinh tế của đất nước sẽ trong tình trạng tồi tệ hơn trong năm 2023.

# Những tháng cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Ảnh nh họa

Khảo sát mới nhất mà VCCI TP.HCM thực hiện tại 37 doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 đến 5.000 lao động ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cho thấy có 46% số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lực lượng lao động, 40,5% có kế hoạch cắt giảm lao động với khoảng 9.700 người và 13,5% đang có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Thực tế ghi nhận tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam, vào thời điểm này, năm nay đơn hàng giảm hơn mọi năm, mặc dù những tháng qua, Ban điều hành công ty đã nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng mới, song cũng gặp khó do nhu cầu tại nhiều quốc gia tại các thị trường Châu Âu, Mỹ… đang có xu hướng tiêu dùng giảm hơn so với trước.

Bà Trịnh Thị Hợp, Quản đốc Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam cho biết: "Tình trạng chung của tất cả doanh nghiệp cũng giống nhau, đơn hàng năm nay so với năm ngoái giảm hơn. Nếu thời điểm này năm ngoái- thời điểm cuối năm chúng tôi tăng ca cho công nhân nhiều hơn, đơn hàng nhiều hơn, song năm nay thời điểm này đang rất trầm lắng, không có tăng ca kíp. Hiện lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm mọi biện pháp để có thêm đơn hàng để cho công nhân sản xuất ổn định cuộc sống cho người công nhân".

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp của ngành. Bình quân lượng hàng giảm khoảng 30% so với đầu năm.

Ở lĩnh vực khác như sản xuất các vật liệu xây dựng, bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc công ty Secoin cho biết, do ảnh hưởng của xung đột chiến tranh, giá cả xăng dầu biến động quá lớn, tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới… khiến việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.

Bà Đinh Hoài Giang chia sẻ: "Với thị trường lâu năm mà chúng tôi xuất khẩu từ 1999 đến nay là thị trường Nhật, thì đến nay đột ngột dừng lại- khi tìm hiểu ra không phải là do chất lượng sản phẩm của chúng tôi, mà hoàn toàn tình hình lạm phát của nước Nhật. Còn với sản phẩm khác của chúng tôi đi Mỹ, đi Châu Âu đều bị giảm đi; thị trường trong nước cũng như vậy- Trước đây chúng tôi cấp hàng không kịp cho dự án lớn, nhưng hiện nay nhiều dự án lấy hàng rất chậm".

Không những vậy, hiện nay một số mặt hàng nông sản như tinh bột sắn hiện cũng đang gặp khó, không xuất khẩu được. Niên vụ sản xuất 2021 – 2022 của Công ty cổ phần nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái vừa kết thúc, nhưng đến nay theo báo cáo của doanh nghiệp này thì hiện đang tồn kho 1.000 tấn tinh bột sắn chưa xuất khẩu được.

Ông Lê Long Giang, Giám đốc công ty cho biết: "Bởi tác động của chính sách Zero Covid từ Trung Quốc nên mặt hàng tinh bột sắn hiện nay hầu như bị chững lại, không có một khách hàng nào dám mang hàng sang Trung Quốc vì mang sang không giao được hàng, xe lưu bên đấy chi phí rất là cao".

Dự báo trong năm 2023, tình hình suy thoái toàn cầu sẽ còn có những tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp trong nước; đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông lâm sản chủ lực.

Do đó, theo ông Lê Long Giang, các doanh nghiệp cần phải có sự đánh giá và kịp thời thích ứng để duy trì sản xuất, kinh doanh: "Doanh nghiệp vẫn cố gắng tích lũy hàng trong kho và huy động các nguồn lực tài chính để tổ chức thu mua hàng, đảm bảo nhu cầu bán hàng nông sản của nhân dân, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên. Tiết giảm các chi phí và làm việc với các ngân hàng để đáp ứng được nguồn vốn".

Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khiến cho hàng trăm nghìn người lao động bị giãn việc, mất việc. Đâu là giải pháp trước mắt và dài hạn để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động? Những đề xuất của các chuyên gia sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo. 

Thông tin thị trường chứng khoán

# TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận phiên mất điểm thứ 4 liên tiếp. Chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1.018,88 điểm, giảm 4,25 điểm (-0,42%).

# Trên HOSE ghi nhận số mã giảm lên đến 298 mã. Với 14 mã tăng lúc kết phiên, chỉ số VN30 đã lấy lại được sắc xanh 0,32% điểm chính; đây cũng là động lực chính cho nhịp hồi phục của thị trường chung về cuối phiên. Trong rổ VN30, VNM là mã duy nhất giữ vững giá xanh trong suốt phiên giao dịch.

# Theo SSI Reseach, thanh khoản hôm nay sụt về còn 10,6 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh 1,6 nghìn tỷ đồng.