Điệu buồn di cư

Tuần vừa qua VOV Giao thông phát sóng loạt phóng sự 3 bài về lao động di cư từ miền tây về miền Đông Nam bộ với rất nhiều thân phận buồn, bị tổn thương trên hành trình mưu sinh. Đây là câu chuyện không mới, nhưng quẩn quanh và dường như không bao giờ kết thúc.

Làn sóng di cư mưu sinh tìm kiếm việc làm quy mô lớn của thanh niên nông thôn Việt Nam bùng nổ từ những năm cuối thập niên 1990, và những nghiên cứu đầu tiên về tác động, và hệ lụy của câu chuyện này cũng đã xuất hiện từ những năm 2000.

Sau 20 năm, dù có rất nhiều nghiên cứu khác nhau xung quanh câu chuyện này, nhưng những vấn đề của nó vẫn tồn tại trong sự quan ngại của những nhà nghiên cứu mà không có biến chuyển gì.

Ảnh nh họa 

20 năm trước, tôi gặp những cụ ông, cụ bà trông cháu cho con cái đi làm ăn xa với một nỗi lo rằng lỡ may chết vào dịp gần cuối năm thì khó mà tìm nổi tám thanh niên có sức vóc để khiêng áo quan.

20 năm sau, về lại những ngôi làng ấy, con cái của những người già năm xưa, nay cũng đã già thì ngồi trên hiên nhà ngày này qua ngày khác ngóng nhìn ra đường ngõ hy vọng tiếng xe về. Những người già ấy, họ đã vỡ mộng thị thành mà trở về, những không vì thế mà đảo ngược giấc mộng ra đi của con em mình.

Người ta hay nói rất nhiều về câu chuyện thiếu việc làm khiến lao động nông thôn phải bỏ làng mà đi. Nhưng ở làng, chuyện không hẳn như thế. Thực tế, bây giờ muốn tìm lao động có chất lượng cao ở nông thôn là điều không thể. Muốn xây một ngôi nhà, có khi bạn phải xếp hàng cả tháng mới đến lượt nếu muốn được phục vụ bởi một hiệp thợ tốt.

Thời điểm dịch covid bùng nổ, lần đầu tiên sau rất nhiều năm dân số nông thôn tăng lên một chút do dòng người di cư ngược. Người ta nhận ra, ở quê thực ra không quá khó để sống, thậm chí để sống được, còn tốt hơn bươn chải ly hương. Nhưng khi dịch lắng xuống, người ta lại đổ ra thành phố, nhất là những lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Sức hút của đô thị không chỉ là việc làm để mưu sinh. Nó còn là dòng tiền mặt đều đặn, là khả năng kiếm tiền mà không cần phải có quá nhiều kỹ năng bổ trợ vì nguồn cung lao động đa dạng, là các tiện ích sống như cơ hội học hỏi, khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, và văn hóa giải trí tốt hơn, nếu có điều kiện.

Dù không phải mọi lao động nhập cư đều có điều kiện tiếp cận những tiện ích của thị thành.

Chúng ta nói rất nhiều về các chính sách tam nông, về đầu tư cho nông thôn. Song, nếu ở thành thị, để có một con đường bê tông đi qua nhà, người ta không phải đóng góp gì, không có khái niệm nhà nước và nhân dân cùng làm. Ở thành thị, mọi dịch vụ đều có thể cung cấp đến tận nơi, tận cửa nhà, khác hẳn nông thôn.

Nông thôn trong lành, nông thôn bình yên là câu chuyện thường thấy trong các bài hát của người trẻ thị thành. Nhưng mấy năm sau khi về quê nuôi cá và trồng rau, hầu hết những người trẻ lãng mạn ấy đều vợ mộng quay xe bởi vì hóa ra mọi thứ quen dùng đều đắt đỏ hơn nhiều.

Bởi ở nông thôn, rất nhanh, họ sẽ nhận thấy cảm giác bị lãng quên trong thế giới vốn có của mình.

Câu chuyện di cư, nếu như chỉ nhìn ở khía cạnh việc làm để giải quyết, có lẽ sẽ chẳng đi đến đâu. Bởi vì không một ai muốn thấy mình bị lãng quên, bị bỏ lại bên lề đường phát triển, như những làng quê từ đô thị nhìn về.