Việt Nam đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ về di cư và đô thị hoá trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Trong sự lựa chọn được cho là hợp lý và thuận theo lẽ tự nhiên nhằm cải thiện sinh kế; làn sóng di cư “bị động” đã và đang gây ra những “chấn thương” không nhỏ; tạo ra những áp lực về giao thông, chỗ ở đô thị; kéo theo tình trạng già hóa dân số, gây thiếu hụt nguồn lao động, và gia tăng áp lực về hỗ trợ tài chính cho người già ở nông thôn do không có người chăm sóc.
Hàng chục năm ngoái lại, khi quê hương chỉ còn là cố hương, nhiều người di cư chỉ biết xót xa. Lay lắt nơi đô thị, bám trụ trong những căn nhà trọ chỉ khoảng 10m2, quẩn quanh trong sự nghèo – túng; giấc mơ công nhân đã âm thầm tan vỡ, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Buối tối sau giờ tan ca của công nhân, dạo quanh các dãy nhà trọ quanh khu công nghiệp ở quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 (TP.HCM) – không khó để gặp những nữ công nhân quê miền Tây ly hương lên thành phố vào nhà máy làm việc.
Giấc mơ công nhân tan vỡ
Chị Nguyễn Thị Trang (42 tuổi, quê Tiền Giang), lên Sài Gòn làm công nhân đã 24 năm. Hành trình ấy có người nghĩ rằng như một cái chớp mắt, song với chị là một đoạn trường gian truân, vất vả và chông chênh.
Chị Trang nhớ lại, năm 2000, khi mới 18 tuổi, chị làm công nhân may với mức lương 300.000 đồng. Nhưng mới học nghề 2 tháng, công ty phá sản, trốn nợ tiền lương.
Trải qua cũng dăm công ty học may, cứng nghề, chị Trang mới vào được một nhà máy nhận việc ổn định. Đến năm 20 tuổi, chị kết hôn, rồi nuôi con một mình sau khi chồng chị đi lối rẽ khác. Đứa lớn 21 tuổi đành phải gửi dưới quê Tiền Giang sống với bà ngoại, bé nhỏ ở với mẹ. Mẹ con lay lắt, đắp nổi qua ngày.
Chập choạng tối, căn phòng học ước chừng gần 70m2 tại phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM rộn rã tiếng trẻ chuẩn bị vào lớp.
35 em nhỏ ở lớp học tình thương Ngọc Việt chạy tới chạy lui dọn bàn ghế, đứa thì lo nấu nước pha mì tôm lót dạ. Con gái chị Trang, 11 tuổi, bị tật ở mắt, được nhận vào lớp học tình thương Ngọc Việt đã 4 năm nay. Nhưng 4 năm, vẫn chỉ học lớp 2.
Gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên chị cũng không thể xoay sở cho con vào trường khiếm thị. Nhắc đến con, giọt nước mắt chị Trang lăn dài trên gò má, lực bất tòng tâm.
Hơn 2 năm nay, kinh tế khó khăn, nhà máy đơn hàng may mặc cũng ít đi, đồng nghĩa thu nhập giảm. Ở độ tuổi trung niên vẫn còn được giữ lại nhà máy thực sự là may mắn với chị Trang so với hàng chục ngàn người mất việc trong làn sóng hậu COVID-19.
Ở lớp học tình thương Ngọc Việt, chủ yếu là con em công nhân làm việc ở các khu công nghiệp. 15 năm qua, lớp học duy trì để xoá mù chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lam lũ kiếm tiền, không thể đưa con đến trường.
Tương tự, hoàn cảnh ông Huỳnh Văn Sử (65 tuổi, quê Kiên Giang) cũng bi đát không kém.
Con gái ông vì tạm ngưng việc nhà máy nên phải đi rửa chén thuê ban đêm, một mình ông phụ trách đưa đón cháu.
Bên hiên lớp học tình thương chờ cháu, ông Sử tâm sự rằng dưới quê gia cảnh nghèo đến nỗi “không một cục đất chọi chim” chứ không phải như mọi người hình dung về miền Tây, đất đai phì nhiêu bạt ngàn.
Quê hương khổ cực, làm lụng không dư dả, năm 2012 khăn gói lên TPHCM làm thuê thì 2018 vợ bệnh mất phải trở về. Lớn tuổi, không ai thuê mướn nữa, ông lên sống cùng con gái và cháu ngoại ở cạnh khu công nghiệp. Ba miệng ăn trông cậy vào con gái ông.
Cả 3 thế hệ sống cảnh tha hương. Luẩn quẩn trong cảnh sống xoay vòng đắp đổi mưu sinh ở thành phố, mỗi năm tằn tiện lắm, 3 người cũng chỉ gom góp đủ tiền về quê một lần vào ngày giỗ vợ ông Sử. Cũng nhiều cái Tết không về nhà được vì chi phí lớn.
Ngày rời bỏ làng quê lên thành phố kiếm sống, ông Sử và con gái cũng không bao giờ nghĩ rằng đời mình lại tiến thoái lưỡng nan, về không được mà ở chả xong.
“Dưới quê không có việc làm, không có đất đai, nghĩ lên đây làm thì cứ làm mãi đến khi nào không làm nổi nữa thì tính sau. Còn nghĩ ngày nào về thì chưa xác định, về dưới vẫn là thất nghiệp. Về ở quê gặp khó mà ở trên đây hông lẽ ở vĩnh viễn, như vậy đâu được dù sao cũng là quê hương mà”, ông Sử chia sẻ thêm về hoàn cảnh túng bấn.
Giã biệt quê hương ngoái chào cố hương mà lòng quặn thắt. Một thế hệ, rồi hai – ba thế hệ mất gốc. Ban đầu ra đi với ước vọng trở về dựng xây lại nhà cửa, ruộng vườn, quê hương xứ sở.
Cúi mặt làm lụng thoắt cái đã 10 năm, 20 năm. Quê hương thành đất khách mỗi chuyến trở về, thành cố hương; mà đất khách thì vẫn mãi chưa thành quê hương thứ hai.
“Lên Sài Gòn làm công nhân” rồi “Đi Bình Dương làm công nhân”, “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” …. - những câu nói đã quá đỗi quen thuộc với những người dân thôn quê chân chất khi mạng lưới nhà máy, xí nghiệp ở đô thị giăng mắc như một miền đất hứa.
Từng dứt áo ra đi, thoát cảnh làm nông chân lấm tay bùn, nhiều người lên thành phố làm công nhân để đổi đời.
Vậy mà, lòng vòng mải miết rồi lại thuê đất làm nông. Họ - tiếp tục phải đối mặt với chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, không thể nào thoát cảnh đội nắng - mưa, vất vả còng lưng mới đủ đắp đổi qua ngày.
Ly hương để ly nông rồi lại làm nông
Đi dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng từ Bình Chánh về quận 7 (TPHCM), Phóng viên bắt gặp những cánh đồng dưa gang, ao nuôi cá của nhiều bà con miền Tây.
Những khu đất thuộc các dự án treo, đất đai bạt ngàn, cỏ mọc um tùm được thuê lại theo từng năm canh tác cây ngắn ngày để trang trải cuộc sống cũng như thỏa chí làm nông.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bá (59 tuổi) từ Trà Vinh dắt díu lên Sài Gòn cách đây hơn 10 năm lập nghiệp. Ban đầu hai vợ chồng làm phụ hồ, chuyển từ công trường này đến công trường khác. Rồi lớn tuổi, chẳng thể leo giàn giáo được như xưa, ông Bá bỏ nghề thợ xây.
Gần 5 năm trở lại đây, vợ chồng thuê 30 công đất (mỗi công 1.000m2) gần mặt đường Nguyễn Văn Linh trồng dưa, trồng lúa, nuôi gà, thả cá.
Vì đất thuộc dự án treo nên vợ chồng chỉ cất căn chòi xập xệ để tá túc, vừa trông giữ hoa màu. Được năm đầu tiên, hai vợ chồng trúng mùa dưa nên đỡ được cái ăn. Song, 2 năm dịch bệnh dưa trồng lên cũng không bán được, đồng vốn bỏ ra cứ thế cạn dần. Giờ vợ chồng ông Bá nợ càng thêm nợ. Nào tiền thuê đất, tiền phân thuốc….và kể cả tiền mượn lãi ngoài.
“Vay bạc hỏi, không đủ đóng lời cũng hết, rồi đắp vào tiền phân. Như hai đợt dịch là không có tiền ăn luôn. Ở dưới quê cha mẹ không cho được công ruộng nào hết trơn” - Bà Phạm Thị Lệ (55 tuổi, quê Trà Vinh), vợ ông Bá ngậm ngùi.
Ngồi xuống bờ ruộng, tay bứt cọng rạ khô cháy, ông Bá nhìn với sang những căn hộ cao tầng bên kia đại lộ và mà chỉ dám ước. Mấy năm ròng rã xa quê, đến lúc cha mẹ già cuối đời cũng không thể nào phụng dưỡng, đỡ đần.
Ông Bá dẫn chúng tôi qua căn chòi của ông Ngô Son (63 tuổi, quê Sóc Trăng) người dân tộc Khơ-mer, là hàng xóm ông cũng thuê 3 công đất để nuôi vịt. Vợ chồng ông Ngô Son về già mong mãi mới có được mụn con, em bé 2 tháng tuổi ngủ say dưới mái chòi nằm võng được mẹ đưa liền tay.
Ông Son đang lội ao bắt hơn nửa đàn vịt bán trả nợ, chân vẫn lấm lem bùn. Cặp vợ chồng trước đó phiêu dạt nhiều nghề từ phụ hồ, bán vé số rồi mới về đây nuôi vịt. Không có vốn nên cứ “ứng trước trả sau”, làm được đồng nào trả nợ đồng nấy.
Trong suốt hành trình tìm hiểu về dòng di cư của người miền Tây lên miền Đông, phóng viên bắt gặp những đại gia đình ngụ cư thành những ngôi làng mọc lên dọc mép sông.
Cạnh con rạch Gò Dưa, phường Tam Bình, TP Thủ Đức có hơn 20 hộ gia đình cất chòi làm nghề tuốt, bào rau muống và trồng thêm rau muống nước mặt, mỗi năm thu hoạch chỉ được 1 tháng.
Bà Lý Thị Hiền (56 tuổi, quê Sóc Trăng) “khai hoang” cắm cọc mảnh đất này từ 20 năm trước. Dần dần, xung quanh căn chòi ấy mọc thêm san sát nhiều túp lều tạm đều là con cháu họ hàng ở quê di cư lên.
Nhờ công việc tuốt rau muống thuê ổn định nên đủ trang trải từng ngày, no dồn đói góp.
“Tôi không về quê đâu. Có chết cũng hoả táng, rải tro cốt ra ngoài con rạch, con sông trồng rau muống… Sống liu tiu trên thành phố ra sao thì ra…”, bà Hiền ngồi nhìn mớ bèo trôi nổi trên sông, thở dài.
Bà Hiền chỉ có một người con trai độc đinh là anh Nhân. Anh Nhân nay đây mai đó, lúc làm rau muống cùng mẹ, lúc đi Bình Dương kiếm việc. Cậu con trai anh Nhân 15 tuổi đã nghỉ học, xin phụ làm thêm ở một công ty. Dưới quê không còn nhà cửa, đất đai nên gia đình anh không còn luyến thương nữa để trở về.
“Giờ quê nhà đất chẳng còn, giờ bà già nói vậy thì tôi cũng quyết định theo ý bà. Còn tôi thì sống đất Sài Gòn thôi và không bao giờ đặt chân về quê, thậm chí Tết còn không về, chỉ có về làm giấy tờ thôi", anh Nhân xót xa khi con đường trở quê trước mắt anh có phần mù mịt.
Người đàn ông đau lòng khi con trai mới 15 tuổi đã nghỉ học xin vào công ty làm thêm và chẳng có hy vọng đổi đời.
Nhìn lại quê hương miền Tây, làng quê chỉ còn người già trẻ nhỏ, ruộng đồng hoang vắng, nứt nẻ, không ai mặn mà cày cấy, gieo trồng. Bên cạnh những ngôi nhà lầu mái ngói đỏ tươi thì vẫn còn đâu đó những căn nhà hở trước, trống sau, gió lộng tứ bề.
Thành phố thì chật chội, nhưng bám trụ lại nơi đây có lẽ là cách duy nhất mà nhiều người lựa chọn. Bởi, dù có khổ cực, dù có quẩn quanh, thì họ cũng luôn muốn tin: Cuộc sống mai rày sẽ tốt đẹp hơn!
Một buổi trưa trung tuần tháng 2, chúng tôi len lỏi giữa những đám thanh long chín đỏ, băng qua những bờ ranh quanh co khúc khuỷu mà bề rộng chỉ vừa đủ 1 người đi để tìm đến nhà của ông Huỳnh Tấn Hạt và bà Nguyễn Thị Út, ngụ tại ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ông Hạt và bà Út kết hôn với nhau đã gần 50 năm, có với nhau 8 mặt con. Gia đình có 10 nhân khẩu nhưng chỉ có vỏn vẹn 1 công 7 đất - vừa đủ để cất 1 ngôi nhà đơn sơ và chăn nuôi lặt vặt.
Do không có đất canh tác, nên những người con của ông Hạt bà Út cũng lần lượt rời quê, bỏ lại 2 vợ chồng già đã ngoài 70, nay ốm, mai đau mà vẫn phải làm lụng vất vả, chạy vạy kiếm ăn từng bữa.
Không những thế, ông Hạt và bà Út còn phải cưu mang thêm 2 đứa cháu nội do vợ chồng người con thứ 6 để lại khi các em chưa tròn thôi nôi. Dù đang mang trong người nhiều chứng bệnh nhưng bà Út hàng ngày vẫn phải đi cùng đường ngõ hẻm để bán từng tờ vé số, kiếm tiền thuốc men, gạo muối.
Tiếp chuyện với chúng tôi bà Út nói: “Con nó cũng nghèo khổ, bươn chải để nuôi vợ nuôi con nó chứ đâu có nuôi tôi. Đi bán kiếm tiền chút đỉnh. Con tôi bây giờ tôi vái cho nó mạnh giỏi để nó mần lo cho vợ con nó thôi, chứ còn tôi, thôi kệ. Trông ngóng gì!”
Lúc đầu, những người con của ông bà thỉnh thoảng cũng về thăm nhà nhưng càng về sau, số lần về nhà của các con ông bà cũng thưa dần, thưa dần, thậm chí vài năm trở lại đây thì bật vô âm tính.
“Nó đi mần hồ nhưng hông biết ở xứ nào ở đâu, không có liên hệ gì hết. Lâu lâu thì điện được, nếu nó cần tôi thì nó điện hỏi thăm một chút còn không thì thôi, tôi điện nó cũng không được", bà Út chia sẻ, trong lòng giấu nỗi nhớ con quay quắt.
Ông Huỳnh Tấn Hạt, chồng bà Út, dù đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn chưa ngơi nghỉ, hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ai kêu gì làm nấy để mong có tiền trang trải cuộc sống.
Ông Hạt chua chát nói: “Lâu lâu, mấy tháng trời nó mới chạy về rồi cũng đi. Nó về cũng không có cho tụi tui đồng bạc nào nhưng nó có cho con nó đi học, được vài ba trăm ngàn”.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, cần nhìn bức tranh tổng thể cho sự phát triển của ĐBSCL gắn với quy hoạch Vùng ĐBSCL vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó nhấn mạnh ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội – Môi trường.
Ở mức độ phát triển, có thể tiếp cận theo chiều thuận là ai làm gì thì trả công cho người đó; nhưng còn có một góc tiếp cận theo chiều ngược lại là trả công bằng bù đắp thiệt hại chi phí. Đây là một cách tiếp cận mới ở Việt Nam:
“Trong quá trình phát triển bền vững, khi chúng ta cần những vùng sinh thái để phát triển hài hòa, có sự bảo tồn mà không phải “đụng chân, đụng tay” tức là không sản xuất, không canh tác quá nhiều thì lúc đó những người sinh sống trên những mảnh đất đó mất thu nhập nhưng việc đó lại mang lợi ích tốt hơn cho xã hội. Khái niệm đó gọi là “ngoại tác tích cực”.
Tôi có một mảnh rừng chẳng hạn, tôi để nguyên như thế thì sẽ góp phần tạo ra không khí trong lành cho cả xã hội thay vì cắt mảnh rừng đó trồng lúa, trồng khoai. Khi xã hội được hưởng lợi thì phải lấy lợi ích đó đóng góp cho người có mảnh rừng – Đó là khái niệm “Không làm cũng được trả tiền”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nói.
Các chuyên gia cũng nhận định, số lượng và chất lượng lao động đang là điểm yếu cốt lõi của ĐBSCL. Hình ảnh ĐBSCL có lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá rẻ nay đã không còn.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, xét trên bình diện chung thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển của bất kỳ một vùng đất, một quốc gia nào là tất yếu, song vấn đề đáng lo ngại là tình trạng di cư bị động.
Ông Hiệp cũng phân tích thêm, thời gian tới, cần phải có những chính sách ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội, đồng thời vấn đề cần phải được giải quyết hài hòa giữa hai khu vực; không thể dồn tất cả vào các đô thị lớn mà việc phân bố, đầu tư, thu hút các doanh nghiệp cần giãn ra ở những khu vực nông thôn, vừa tạo ra một không gian phát triển mới nhưng đồng thời cũng phân bố lại lực lượng lao động.
Một nghiên cứu của Tổ chức Care vào năm 2018 cho thấy, có đến 70-80% lực lượng người người làm ăn xa làm việc ở khu vực không chính thức tại các đô thị lớn. Đây cũng là nhóm dễ tổn thương nhất kể cả trong và sau COVID-19.
Họ sống trong những khu nhà trọ, mất việc, thiếu điều kiện phát triển cá nhân, tiếp cận giáo dục hạn chế. Phần lớn những người đi làm ăn xa thường không chuẩn bị về kiến thức, tâm lý… vì vậy, luôn gặp những rủi ro và bất lợi như bị lừa, bóc lột,…
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ (20-39 tuổi). Áp lực nhập cư đối với các đô thị ở nước ta là rất lớn, lớn nhất là tại các đô thị đặc biệt.
Cứ 1000 người dân sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước và 5,3 lần khu vực nông thôn.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) khuyến nghị: “Do phần lớn người di cư là người trẻ tuổi, điều quan trọng là cần phải có các chính sách cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kỹ năng sống phù hợp, đặc biệt là phụ nữ di cư – đối tượng dễ bị tổn thương. Và chúng tôi nghĩ rằng trong các dịch vụ công đó cũng cần phải có dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới”.
Đối với chính sách hỗ trợ người di cư ở các địa phương, bà Naomi Kitahara cho rằng cần lưu ý chính sách về tiếp cận nhà ở, giáo dục (đặc biệt cho trẻ em di cư), việc làm (đặc biệt cho các phụ nữ di cư), và chăm sóc sức khỏe.
Các chính sách xã hội cũng cần phải chú trọng đến người già là cha mẹ của người di cư bị bỏ lại ở địa phương. Những chính sách như vậy cần phải được xây dựng dựa trên bằng chứng và dữ liệu di cư, những dữ liệu cần phải được thường xuyên thu thập và phân tích sâu hơn.
Hiện UNFPA cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết những vấn đề cụ thể về di cư, đặc biệt nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, tỷ lệ thất nghiệp theo chuẩn quốc tế luôn ở mức thấp do thu nhập của người lao động thấp. Vì vậy, người lao động luôn mong muốn tìm kiếm và sẵn sàng làm cả những công việc họ không thực sự mong muốn để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Bởi vậy, nên xem việc xuất cư trong thời gian qua như một chỉ dấu quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp có tính chiến lược cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tăng “sức khoẻ” cho đồng bằng để tạo ra giá trị mới cho vùng đất này; đồng thời ở các đô thị như TP.HCM, miền Đông Nam bộ cũng cần có mối quan hệ hài hoà với các tỉnh thành miền Tây chứ không chỉ đơn thuần là một “túi chứa” lao động của dòng người di cư./.