2 CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ
Quy hoạch Điện VIII đã đưa nội dung ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời, mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như ền Bắc...
Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhưng chưa thực hiện được do thiếu cơ chế chính sách, hành lang pháp lý.
Trước đòi hỏi của thực tế, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Dự thảo Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà gồm 3 chương, 8 điều. Trong đó, đề xuất 2 chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà:
Trường hợp thứ nhất là đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không đầu tư mua bán điện. Dự thảo này cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn “phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia” thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Đổi lại Nhà nước cho phép được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn “không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia” thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với lượng điện tiêu thụ tại thời điểm thực hiện đăng ký lắp đặt điện mái nhà. Bộ Công Thương lưu ý quy định này áp dụng đối với điện mặt trời mái nhà trên phạm vi cả nước, bao gồm điện mặt trời mái nhà tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Trường hợp thứ hai được Bộ Công Thương đề cập là điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.
Ngoài ra, để thuận lợi cho điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở riêng lẻ không phải thực hiện phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải lập dự án đầu tư.
Bộ Công Thương dự tính Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và kéo dài đến ngày 31/12/2030.
CHÍNH SÁCH "LẠ"
Tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương xin ý kiến về vấn đề điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Quy định như vậy liệu đã mang tính khuyến khích và đảm bảo tính công bằng trong phát triển nguồn điện hay chưa? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương.
PV: Trước tiên, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải có những quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái trong bối cảnh hiện nay?
TS. Ngô Đức Lâm: Trong giai đoạn vừa qua, Nhà nước khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, trong đó có năng lượng mặt trời mái nhà. Thực hiện chủ trương này, nhiều nơi, nhiều địa phương đã phát triển năng lượng mái nhà để tự dùng. Ở các tỉnh ền Nam có phong trào làm hàng triệu mái nhà có khả năng làm điện mặt trời.
Nhưng trong quá trình phát triển có nhiều khúc mắc, có những vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật nên có Nghị định hoặc các quy định của Nhà nước để đầu tư được yên tâm, ổn định được đảm bảo lâu dài; đồng thời thể hiện Nhà nước thực hiện xã hội hóa trong vấn đề đầu tư để người dân đóng góp cùng Nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng. Cái quy định này như vậy là mong chờ của nhân dân.
PV: Thưa ông, một nội dung đáng chú ý của Dự thảo này là đề xuất trường hợp cá nhân phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Theo ông, quy định như vậy liệu có đủ khả năng khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái?
TS. Ngô Đức Lâm: Trước hết cần phải định rõ thế nào là ưu tiên, thế nào là khuyến khích. Theo tôi hiểu khuyến khích là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự đầu tư cho năng lượng; ưu tiên làm sao để người ta có lợi và có lợi cho cả nền kinh tế.
Khuyến khích thì phải được giúp vốn đề làm, Nhà nước có thể cho vay hoặc cho vay ưu đãi để phát triển được.
Các chính sách phải thuận lợi. Bây giờ đồng ý là cho nối vào lưới điện của Nhà nước là khuyến khích và ưu tiên rồi nhưng đó chỉ là một phần thôi, chưa có ý nghĩa toàn diện. Có nên là 0 đồng không, tại sao lại là 0 đồng?
Vì những người làm chính sách cho rằng cho phép đấu vào lưới để lúc không sử dụng được năng lượng mặt trời thì được quyền mua điện trên lưới. Nhưng đấy chỉ là một chiều, nhưng ngược lại với những người đầu tư mà đầu tư lại không được quyền bán lại cho người khác hoặc có bán cho lưới thì lại là 0 đồng.
Về chính sách kinh tế, tôi thấy hơi lạ và có lẽ không hợp lý lắm; cần nghiên cứu lại cái 0 đồng.
PV: Ngoài ra theo ông, cần có những điều chỉnh, bổ sung các quy định trong Dự thảo Nghị định này ra sao để có ý nghĩa thực sự trong việc khuyến khích điện mặt trời áp mái?
TS. Ngô Đức Lâm: Nghị định có tính chất phải ổn định, lâu dài để những nhà đầu tư, xây dựng và người dân thi hành nhưng hiện nay những ý kiến đấy có nhiều vấn đề cần nghiên cứu, xem lại. Nghị định theo tôi bây giờ là chưa nên, nếu có thì thay đổi nó thành Quyết định, có giá trị trong một thời gian nhất định trong quá trình ta điều chỉnh lại, lúc đó xây dựng thành Nghị định cũng chưa muộn.
Thứ 2 là là tính toán lại xem 0 đồng có hợp lý hay không, nên theo hướng đưa vào lưới và có trả tiền vì anh lấy cái đó anh bán đi lấy tiền thì phải trả theo giá nhất định. Nên tính toán lại để Nghị định có tính hợp lý và phù hợp hơn.
PV: Cảm ơn ông!
PHÙ HỢP TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Tới nay, các đề xuất cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương được đánh giá là còn chung chung, chưa thực sự tạo ra cơ chế mang tính hấp dẫn. Vậy cần nghiên cứu, bổ sung các quy định ra sao để giúp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời?
PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng TS. Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
PV: Theo chính sách mới được Bộ Công Thương đề xuất, điện mặt trời mái nhà nối lưới phát điện lên hệ thống quốc gia sẽ không được trả tiền. Theo bà, quy định như vậy liệu có phù hợp?
TS. Trịnh Thị Tú Anh: Đặc điểm của điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, có tính ổn định không cao và không hoạt động độc lập được, nghĩa là vẫn cần những nguồn điện hoạt động ổn định khác như nhiệt điện, thủy điện phát kèm để ổn định công suất.
Khi nguồn điện này đấu nối vào hệ thống, nếu chúng ta không có những kỹ thuật tốt thì sẽ mất an toàn hệ thống điện. Theo tôi quy định đưa sản lượng điện dư vào hệ thống thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Quy định này đưa ra nhằm để các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tự sản xuất và tính toán được sản lượng điện cần thiết phù hợp với nhu cầu của mình. Quy định của Bộ Công thương sẽ phù hợp với giai đoạn hiện nay khi phụ tải của chúng ta chưa thể đáp ứng được nguồn điện dư thừa còn trong giai đoạn sắp tới cần tính toán lại.
Khi chúng ta có hệ thống truyền tải phù hợp, an toàn thì cần tính toán mua điện dư thừa của các tổ chức, cá nhân.
PV: Vậy theo bà cần xem xét, bổ sung các cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà ra sao trong thời gian tới?
TS. Trịnh Thị Tú Anh: Để phát triển điện mặt trời mái nhà, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời thì cần có quy hoạch rõ ràng trong những năm tiếp theo, những vùng nào được phát triển điện mặt trời áp mái với tổng công suất là bao nhiêu thì chúng ta mới tính toán được lượng điện cần sử dụng là bao nhiêu, rồi lượng điện dư thừa có thể phát lên hệ thống là bao nhiêu.
Thứ hai là cần tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hiểu được chính sách phát triển năng lượng điện tái tạo, từ đó có chính sách ễn giảm thuế, phí khi đầu tư hệ thống kỹ thuật cho các nhà đầu tư. Thứ ba là hỗ trợ về kỹ thuật để có nền kỹ thuật chung, đồng bộ để trong tương lai chúng ta có mua điện dư thừa thì cũng có hệ thống kỹ thuật đảm bảo, đồng bộ.
Trong dài hạn thì Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan cần hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Khi các Luật được xem xét, thông qua sẽ là hàng lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để phát triển điện mặt trời mái nhà.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!
Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời mái nhà đang có chiều hướng tăng nhanh và tự phát ở tất cả các loại hình nên đòi hỏi cần sớm có các quy định cụ thể nhằm khuyến khích đầu tư, lắp đặt phát triển điện mặt trời mái nhà và các biện pháp quản lý, xử lý các vi phạm liên quan.
Bạn kỳ vọng gì vào Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ có tác động ra sao đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà và việc tận dụng nguồn năng lượng sạch này?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.
----
# Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 14h50 thứ Hai hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.