Điểm sáng trong công tác giáo dục của vùng đất Tây Đô

Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo

Ông Lê Quang Mạnh -  Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí Thư - Chủ tịch nước tại lễ khai giảng trường THPT Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ

Mạng lưới trường, lớp phát triển, đồng bộ về quy mô và chất lượng, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Đó là thành quả từ sự đầu tư của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nỗ lực xã hội hóa giáo dục chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Hôm nay 5/9 đồng loạt các trường trên địa bàn TP tổ chức lễ khai giảng.

Đây cũng là lúc TP nhìn lại một chặng đường phấn đấu để lập ra kế hoạch và hướng đi đổi mới cho ngành giáo dục. 

Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống mạng lưới trường lớp TP Cần Thơ phát triển mạnh theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, bố trí đất, phân bổ kinh phí, vận động xã hội hóa… xây dựng trường lớp.

Từ năm 2004 đến nay, thành phố đã dành hàng ngàn tỉ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trường, đó là chưa kể nguồn lực từ vận động xã hội hóa. Chỉ riêng năm 2014, đã có trên 660,6 tỉ đồng xây dựng cơ sở trường lớp; năm 2017 là trên 681,7 tỉ đồng. Nếu như năm 2004, từ mầm non đến THPT, thành phố chỉ có 331 trường, trong đó chỉ có 15 trường đạt chuẩn quốc gia thì đến năm 2018, thành phố có 460 trường, trong đó có 285 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,69%.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Lê Quang Mạnh trao thưởng cho học sinh giỏi của TP

Ngành giáo dục TP.Cần Thơ luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới. Trong đó chú trọng nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo theo đúng định hướng của ngành.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP.Cần Thơ là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trao thưởng cho HS giỏi của TP

Đội ngũ nhà giáo vừa hồng vừa chuyên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hằng năm, ngành đều đạt và vượt các chỉ tiêu HĐND thành phố giao, cụ thể: Huy động học sinh đến trường, giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học. Thành phố là 1 trong 10 địa phương đi đầu cả nước hoàn thành sớm hơn so với dự kiến về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ổn định qua từng năm (trên 95%); trong phong trào học sinh giỏi quốc gia cấp THPT, liên tiếp 5 năm (từ năm 2013 đến 2018), thành phố giữ vững danh hiệu là đơn vị dẫn đầu trong khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, ngành quan tâm mở rộng số trường, lớp dạy 2 buổi/ ngày (năm học 2017-2018 có 163 trường tiểu học thực hiện); cũng như phát triển các mô hình trường học mới (VNEN), trường điển hình đổi mới ở các trường, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiệu trưởng trường THPT Phan Ngọc Hiển trao thưởng cho học sinh giỏi của trường

Thành quả là TP đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh với thành tích học tập vượt trội. Đơn cử như trong năm học 2018 – 2019 tại cuộc thi Robothon - Wecode quốc tế tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) Cần Thơ đã đạt 1 giải “Vô địch”; 1 giải “Nỗ lực” và 2 giải “Chứng chỉ tham gia vòng chung kết Finalist”. Kết quả cuộc thi An toàn giao thông cấp quốc gia, học sinh Cần Thơ đã đạt 2 giải Ba.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 4/6 sản phẩm đạt giải (2 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích). Thi khoa học kỹ thuật cấp Thành phố có 77/160 sản phẩm đạt giải (6 giải nhất, 15 giải nhì, 21 giải ba, 35 giải khuyến khích). Thi HS giỏi lớp 12 cấp Thành phố có 539/1.223 HS đạt giải. Thi HS giỏi lớp 9 cấp Thành phố có 460/921 HS đạt giải. Thi HS giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp Thành phố có 129/459 HS đạt giải…

Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đánh trông khai trường tại điểm trường THPT Phan Ngọc Hiển.          

Năm học 2019 - 2020, TP Cần Thơ có hơn 246.700 học sinh. Điểm nhấn của ngành Giáo dục TP Cần Thơ trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 là  Kế hoạch Trường điển hình đổi mới giai đoạn 2018 – 2020 đã phát huy hiệu quả tích cực, tính lan tỏa rộng và có bước đột phá chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trong 2 năm triển khai mô hình Trường điển hình đổi mới, các trường đã huy động được tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng. Thành phố tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Năm học 208 – 2019 vừa qua TP đã đầu tư trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học là 62 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ cho các trường đạt chuẩn quốc gia theo danh mục và tái chuẩn là 40 tỷ đồng. Ngành GD còn tham mưu UBND thành phố công nhận 26/23 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 306/461 (tỷ lệ 66,38%). 

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục TP.Cần Thơ quyết tâm thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Tăng cường an ninh, an toàn trường học. Chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học. Xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.