Dịch sởi lan rộng, đề phòng biến chứng viêm phổi, viêm não, bội nhiễm

VOVGT - Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ tính riêng số trường hợp mắc sởi tháng 1/2019 bằng cả năm 2018...

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Theo ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành, trong đó riêng TP.HCM có hơn 20.000 ca mắc. Còn tại Hà Nội, số ca mắc theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, hiện là hơn 150 trường hợp.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nếu trong năm 2018 có 89 trường hợp mắc sởi được chuyển đến bệnh viện thì chỉ riêng trong tháng 1 năm 2019 thì số ca mắc sởi đã bằng năm 2018.

Trẻ bị sởi gia tăng, không chú ý theo dõi và sớm điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phần lớn các trường hợp vẫn có thể điều trị tại nhà nhưng cần theo dõi cái sốt của đứa trẻ. Nếu sốt tiếp tục cao hoặc tăng hơn thì cần đưa ngay đến bệnh viện. Thứ hai là theo dõi nhịp thở của bệnh nhân. Nếu nhịp thở tăng chứng tỏ biểu hiện của viêm phổi là phải đưa đi khám ngay. Thứ ba là trẻ có dấu hiệu ho, nguy cơ bị phù nề thanh quản là phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, Tổ chức y tế Thế giới kêu gọi tiêm phòng Sởi tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng hiện nay ở một số nước có phong trào anti vắc xin. Vô hình chung, chính điều này khiến dịch Sởi phát triển một cách khó lường. Chuyên gia chia sẻ, với bệnh Sởi, phòng bệnh là quan trọng và việc tiêm chủng sẽ chắc chắn đề phòng bị bệnh.

Để phòng bệnh, ông Kính đưa ra khuyến cáo, phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin phòng bệnh Sởi – quai bị - rubella; Thủy đậu; Cúm để tạo ễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Đồng thời, người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ...

Với các cơ sở y tế, cần đề phòng lây nhiễm chéo. Theo đó, cần phải kiểm soát chặt, thành lập khu điều trị cách ly riêng khi có bệnh nhân mắc sởi vào điều trị.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày có 3-5 ca mắc sởi nhập viện.

Để phòng Sởi, cách tốt nhất là tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Người lớn cũng có thể mắc sởi, không nên chủ quan để tránh những biến chứng nguy hiểm.