Đi cấp cứu vì hóc xương cá 10 ngày

VOVGT - Đoạn xương cá bít phế quản khiến bệnh nhân tức ngực khó thở thì người nhà mới đưa bệnh nhân này lên bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để cấp cứu

Bệnh nhân P.H.T tại bệnh viện

Theo đó, bệnh nhân P.H.T (52 tuổi, quê Bình Dương) bị hóc xương trong lúc ăn canh cá lóc cách đây 10 ngày. Sau đó bệnh nhân T. cảm thấy khó thở, ho sặc sụa, đau tức ngực nên đến bệnh viện địa phương để thăm khám nhưng tại đây các bác sỹ kết luận không phát hiện dị vật bất thường.

Sau khi về nhà, tình trạng sức khỏe của ông T. ngày càng giảm, thường xuyên đau tức ngực, khó thở nên ông được người nhà đưa đến bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để kiểm tra. Tại đây, ông T. được đưa đi chụp CTscan và phát hiện đoạn xương cá có hình dạng giống như cây dù cắm ngược bít hết lòng phế quản.

Ngay sau đó, các bác sỹ bệnh viện Tai mũi họng đã nhanh chóng chuyển ông T. vào phòng cấp cứu để tiến hành phẫu thuận gắp đoạn xương cá đang mắc kẹt trong phế quản. Ca phẫu thuật đã thành công, đoạn xương cá đã được các bác sỹ lấy ra, hiện bệnh nhân T. đang hồi phục sức khỏe.

Theo bác sỹ bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, đây là một trường hợp điển hình, bỏ quên xương cá trong thời gian ngắn là 10 ngày. Có những trường hợp lâu hơn, vài tháng, thậm chí 3-5 năm.

Với trường hợp này, xương cá "lành tính”. Bệnh nhân ho, tức ngực, khó thở khi dùng thuốc kháng sinh thì nó giảm dần đi sau đó thì tái diễn nhiều lần. Với trường hợp dị vật thở bỏ quên thì nguy cơ là viêm phổi tái diễn nhiều lần, gây viêm phổi nặng

Qua đó, các bác sỹ Tai mũi họng cũng khuyến cáo người dân khi bị hóc xương cá không nên nuốt cục cơm, chuối để cố đẩy mẩu xương cá bị mắc xuống. Việc làm này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ lớn hơn như xương có thể bị mắc vào adan hoặc đi vào những tổ chức sâu hơn trong đường thở. Nên khi gặp trường hợp này người dân nên đến các cơ sở y khoa để thăm khám và tiến hành lấy dị vật ra.