Đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, việc thành lập Ban Quản lý ATTP không phải là “cây đũa thần” để giải quyết mọi thứ, nhưng giải quyết được khâu thống nhất lực lượng và triển khai nhiệm vụ.

Toàn cảnh buổi Hội nghị Tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sáng 15/7/2022

Bên lề Hội nghị Tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sáng 15/7/2022, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xoay quanh những điểm nhấn tích cực của công tác quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) tại đô thị, đặc biệt gần 13 triệu dân và những vấn đề còn tồn đọng.

PV: Những điểm nhấn mang tính chất đột phá của Ban Quản lý ATTP TP.HCM trong 6 năm thí điểm là gì?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: 6 năm qua, Ban Quản lý ATTP đã nỗ lực hoạt động. Tôi xin nhấn mạnh là Xây thực phẩm “sạch”, chống thực phẩm “bẩn”, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và những người hành nghề.

Các con số cho thấy, đối với thưc phẩm “sạch”, chúng tôi đã xây dựng cũng như tiêu thụ cho chuỗi thực phẩm an toàn và những nông sản, thực phẩm tươi sống khác xuất phát từ ngành Nông nghiệp với những chuẩn khác của ngành nông nghiệp.

Đối với chống thực phẩm “bẩn”, chúng tôi có thành công của hệ thống các đội quản lý xuống tận địa bàn quận, huyện cũng như là các chợ đầu mối và các chợ truyền thống để có thể kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm.

Chúng tôi nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, từ Công an, Cảnh sát môi trường, Thị trường. Việc xử lý thanh tra có tính răn đe đối với những vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đối với ý thức người dân, một điều đơn giản thôi, rõ ràng mức độ tiêu thụ thực phẩm, thức ăn đường phố cải thiện rõ rệt về vệ sinh.

Chúng tôi cũng đã tăng cường kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc thực phẩm, để “một công hai chuyện”; khi thực phẩm có nguồn gốc an toàn thì đảm bảo được chất lượng, và có thể truy xuất ngược lại để có thể ngăn chặn sự phát tán độc hại nếu có; thứ hai cũng là gián tiếp để khuyến khích người nông dân sản xuất một cách an toàn.

PV: TP.HCM có 80-90% thực phẩm nhập khẩu từ các nguồn khác nhau ở các địa phương khác. Việc phối hợp, ký kết với các địa phương đã được tiến hành như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi đã có những chương trình hành động và ký kết trực tiếp với các địa phương, đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các tỉnh thành bạn, để có thể quản lý tốt nhất thực phẩm từ nguồn.

Việc quản lý này không chỉ dừng lại ở đó, mà trách nhiệm của chúng tôi là kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu hành trên địa bàn TP và nếu có vấn đề thì phải cảnh báo ngược trở lại ngay đối với các tỉnh, thành. Và sự phát triển của chuỗi thực phẩm an toàn tăng cả về số lượng, chất lượng thể hiện qua các kết quả kiểm nghiệm.

Điều đó giúp cho tỉnh, thành bạn xây dựng mặt hàng đảm bảo uy tín cho địa phương mình. Nếu không phải là Ban ATTP mà là các Chi cục thuộc Sở như trước đây, thì công tác này không thể tập trung như vậy được.

PV: Thách thức của một đô thị đặc biệt gần 13 triệu dân đặt ra những vấn đề gì cho công tác quản lý An toàn thực phẩm?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Mình bị vướng mắc rất nhiều, đặc biệt là vấn đề cơ sở pháp lý, xử phạt, rồi cán bộ có yên tâm công tác hay không; nên chúng tôi mong muốn chính thức hoá mô hình. Chúng ta phải có những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh.

Từ năm 2016, Ban Quản lý ATTP TP.HCM ra đời, là một nỗ lực của Thành uỷ của UBND TP để tìm ra mô hình quản lý hiệu quả hơn trước những khó khăn bủa vây. Việc thành lập Ban Quản lý ATTP không phải là “cây đũa thần” để giải quyết mọi thứ, nhưng giải quyết được khâu thống nhất lực lượng và triển khai nhiệm vụ.

Chúng ta đã có chính sách thử nghiệm rồi, có thời gian thí điểm rồi thì đề xuất những kinh nghiệm đã tích luỹ được đã đến lúc phải chính thức mô hình này, đơn giản nhất là Sở An toàn thực phẩm, vì từ trước tới giờ, chúng tôi cũng hoạt động như một Sở nhưng vướng về mặt pháp lý; ví dụ như Thanh tra chẳng hạn, chúng tôi chỉ là thanh tra chuyên ngành, chứ chưa phải là thanh tra cấp độ Sở nên chưa được “cởi trói”.

“Thử” tốt phải cho thành “Thật”. Lĩnh vực An toàn thực phẩm tuy quản lý thuộc ba ngành: Nông nghiệp, Y tế và Công thương nhưng về bản chất thì nó là nhánh cực kỳ quan trọng trong y tế dự phòng mà chúng ta vẫn kêu là Y tế dự phòng còn yếu.

Đây chính là cơ hội để Chính phủ thể hiện quan điểm của mình trong việc nâng cao tầm vóc của Y tế dự phòng. 

PV: Xin cảm ơn bà.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM được thành lập năm 2016, trên cơ sở tiếp nhận nhân sự từ 3 sở bao gồm, Sở Y tế, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong thời gian 6 năm, từ năm 2017 đến tháng 6/2022, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong; giảm 55% số vụ và số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014-2016. Cũng trong thời gian đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thanh kiểm tra hơn 327.000 cơ sở, phát hiện vi phạm gần 37.000 cơ sở, xử phạt hơn 7.000 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 153 tỷ đồng (trung bình hơn 21 triệu đồng/cơ sở).

Ban Quản lý ATTP và Ban quản lý 3 chợ đầu mối và 232 chợ truyền thống đã xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm, lấy hơn 3.900 mẫu sản phẩm đang kinh doanh tại chợ, đạt tỷ lệ 99, 91% số mẫu an toàn.