Đề xuất tăng vé xe buýt từ 2024 là bình thường

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất tăng giá vé xe buýt từ ngày 01/01/2024 với mức tăng 1.000-11.000 đồng/vé lượt, tùy theo cự ly từng tuyến; với vé tháng, mức tăng trung bình 40%. Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Lý giải nguyên nhân đề xuất, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, giá vé xe buýt hiện tương đối thấp so với khả năng chi trả cho đi lại của người dân. Trong khi đó chi phí vận hành 1km cho xe buýt hiện nay tăng khoảng 48% so với năm 2014. Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Các chi phí trên cùng chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân đi xe buýt nên chi phí trợ giá cao.

Xung quanh đề xuất này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình. 

 

PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất tăng giá vé xe buýt tại Hà Nội từ năm 2024?

Ông Phan Lê Bình: Quan điểm của tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng vé xe buýt tại Hà Nội. Giá hiện tại chúng ta đã duy trì suốt 9 năm qua, sang năm là tròn 10 năm, một khoảng thời gian dài. Đúng như phân tích của Sở GTVT, khả năng chi trả của người dân cũng tăng lên nhiều so với 10 năm trước. Trong khi mức chi ngân sách trợ giá cho xe buýt thì càng ngày càng tăng.

Cho nên, việc tăng giá ở thời điểm này là hợp lý. Vì đề xuất từ năm 2020 đã dính vào gián đoạn bởi đại dịch. Bây giờ, thị phần vận tải công cộng đã phục hồi, tôi nghĩ đề xuất này là hợp lý.

Còn biên độ tăng cao hơn với những tuyến xe buýt có quãng di chuyển dài thì nó phù hợp với nguyên tắc người hưởng lợi nhiều thì chi trả nhiều, chứ không thể đổ đồng người đi tuyến ngắn cũng như tuyến dài được.

Xe buýt Hà Nội đã giữ mức giá hiện hành được gần 10 năm nay, trong khi chi phí đầu vào, vận hành tăng khoảng 40%

PV: Điều này liệu có xảy ra lo ngại tạo ra rào cản về giá tiếp cận xe buýt?

Ông Phan Lê Bình: Việc tăng giá vé xe buýt cao như vậy với tuyến cự ly dài có làm giảm lượng người đi xe buýt hay không, thì vẫn phải chờ sau quá trình tăng giá, mới có thể cảm nhận được phản ứng của thị trường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù có tăng cao đi nữa thì mức chi phí đi lại bằng xe buýt bằng cự ly dài vẫn còn rất rẻ so với lựa chọn phương tiện khác. Cho nên, khả năng người dân từ bỏ xe buýt đi phương tiện khác là không nhiều.

PV: Trong khu vực và trên thế giới, các nước còn trợ giá nhiều cho giao thông công cộng như nước ta không, thưa ông?

Ông Phan Lê Bình: Không có mô hình nào chung. Mỗi nước có một mô hình riêng về giá và trợ giá khác nhau. Họ sẽ có phương án trợ giá hay không trợ giá phù hợp với tình hình KT-XH và mức độ chi trả của người dân.

Ở một nước quen thuộc với tôi là Nhật Bản thì ở các thành phố lớn, hầu như không có trợ giá với xe buýt. Các doanh nghiệp phải tự vận hành, cân đối thu chi. Nhưng điều đó đồng nghĩa vé lượt, vé tháng ở các thành phố lớn khá là đắt. Còn ở các đô thị nhỏ, giá vé cũng không rẻ, doanh nghiệp xe buýt nhận trợ giá một phần từ chính quyền địa phương.

Nhưng ở Nhật Bản khá là đặc thù vì các doanh nghiệp họ tự cân đối thu chi được. Còn phần lớn các nước thì vẫn trợ giá. Ở Hà Nội, thị phần xe buýt còn khá thấp. Chỉ xấp xỉ chưa đầy 20%. Chúng ta đạt được điều đó là nhờ chi phí rất rẻ so với các loại hình phương tiện khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiện Hà Nội có 132 tuyến buýt phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau. Được biết, năm 2023 chi phí thành phố trợ giá dự kiến cho xe buýt là khoảng 2.754 tỉ đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2014.