Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày, nghỉ lễ vẫn điều hành

Thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất rút ngắn xuống 7 ngày. Việc điều hành giá xăng dầu sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh tình huống giá có biến động lớn.

7 ngày chỉnh giá xăng dầu/lần

Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất rút ngắn xuống 7 ngày

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.

Cụ thể, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán). Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch.

Theo Bộ Công Thương, phương án trên nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam thường mất 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn sẽ bất lợi cho doanh nghiệp, họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập hàng, nhất là khi giá đi xuống.

Đa dạng nguồn cung cho đại lý xăng dầu 

Ngoài ra, điểm mới tại dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn 2-3 nguồn. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.

Thực tế, đây cũng là điểm được nhiều doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị sửa đổi. Quy định hiện nay doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ một nhà cung cấp khiến họ cho rằng bị gặp bất lợi, chèn ép nếu muốn có hàng để bán, nhất là khi thị trường có biến động, nguồn cung ứng gặp trục trặc.

Về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị không quy định về mức này. Với lý do là để doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu thị trường.

Trong trường hợp đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, Bộ Công Thương cho rằng, khi ký kết hợp đồng đại lý, các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Liên quan đến đề nghị giao một đầu mối quản lý với xăng dầu, Bộ Công Thương nêu quan điểm đề xuất khác trước khi cho rằng cần chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Tài chính.

Cụ thể, bộ đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành trong quản lý mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, bộ cũng đề nghị bổ sung thêm quy định là thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Trường hợp trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay.