Đề xuất hạn chế nuôi chó dữ, nuôi chó mèo phải đăng ký kê khai

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM vừa xin ý kiến xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố.

Trước thực tế nhiều trường hợp chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó tấn công người, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông, là nguồn lây lan nhiều dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại, dự thảo quy định sẽ siết chặt việc quản lý nuôi chó mèo.

Cụ thể, chủ vật nuôi chó, mèo phải kê khai trong vòng 3 ngày sau nhập về nuôi, đồng thời kê khai định kỳ 2 lần/năm, không để chó tấn công người, không được để chó gây ồn ào. Dự thảo khuyến khích các hộ nuôi gắn crochip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan đến vật nuôi ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển).

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia nuôi dạy và huấn luyện chó.

PV: Thưa ông, ông có cho rằng việc Tp.HCM đề xuất buộc đăng ký kê khai và khuyến khích gắn chip vào chó, mèo để quản lý có phải là giải pháp khả thi?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi cho rằng, các quy định hiện hành của Nhà nước hiện nay tương đối đầy đủ rồi. Chẳng hạn nhà có chó dữ phải thông báo, có biển hiệu, khi ra đường phải rọ mõm, có dây cương… Vấn đề là người thực hiện gồm cả cơ quan nhà nước và người dân có nghiêm túc hay không thôi.

Hiện, người dân Việt Nam nuôi rất nhiều giống chó khác nhau, cả chó bản địa, chó cảnh, với mục đích nuôi để cho vui, kinh doanh hay bảo vệ. Theo tôi, việc gắn chip để tự nguyện thôi, bắt buộc tất cả cũng không thực hiện được.

TP.HCM rất quan tâm tới vấn nạn chó thả rông và dự định ban hành quy định tạm thời quản lý việc nuôi chó mèo vào quý 4 năm 2024

PV: Ông có ủng hộ việc đăng ký kê khai việc nuôi chó, mèo?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi đã nói từ đầu. Với tình hình hiện nay là ý thức cả người thực hiện lẫn người kiểm tra đôn đốc phải hết sức tự giác. Tôi thấy hiện nay tự giác không bao nên tính khả thi không cao đâu, có thể dẫn tới phiền hà nhiều thủ tục quá. Vì số người nuôi cho nhiều lắm. Chính quyền cũng nhiều việc phải làm, chứ đâu có mỗi việc đó.

PV: Vâng, quả thật người nuôi chó, mèo hiện rất nhiều. Theo thống kê ở TP.HCM có hơn 100 nghìn hộ nuôi. Còn quy mô cả nước tổng đàn chó lên tới trên 10 triệu con, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

Vậy còn quy định về việc không để chó gây ồn ào đặc biệt về đêm và hạn chế nuôi chó dữ như một số giống ngoại nhập Pit Bull (Mỹ), Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila (Brazil) thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Về hạn chế gây ồn ào là đúng, chả cứ gì chó đâu, việc gì gây ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng người khác thì không nên. Chó mà gây ồn ào thì có cách hạn chế bằng việc dạy, đào tạo đấy.

Còn về chó dữ, tôi nghĩ, trong chuyên môn của chúng tôi, chó dữ là con chó hay cắn người. Không chỉ chó lớn đâu, nhiều chó bé rất dữ, chó ta là cắn nhiều nhất. Chó lớn mà kiểm soát chặt thì thi thoảng có vụ cắn người thôi.

Theo tôi, không nên dùng từ “chó dữ’, mà nên hạn chế “những con chó có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng” thì chuẩn xác hơn. Việc gây nguy hiểm cho cộng đồng hay không thì có phần do giống chó, có phần do cách nuôi, do cách quản lý. Nhưng theo tôi, chủ yếu là do quản lý. Có những con chó nhỏ tí như chóc phốc (chó ta) lại hay cắn người nhiều nhất. Đó là chó dữ đấy, chứ không phải chỉ pitbull hay chó ngao đâu. Nếu chó được nuôi dạy đúng cách thì lại rất hiền.

PV: Theo ông, vấn đề quản lý ở đây cần thắt chặt hơn việc tuân thủ các quy định, như biển cảnh báo, có rọ mõm, dây cương…?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi hơi liên hệ sang việc lái xe máy không được uống rượu bia. Nếu chúng ta làm nghiêm được như vậy thì sẽ làm được thôi. Để con chó không gây nguy hiểm cho con người, từ nhà ra ngoài đường, thì chính quyền xử lý thật nghiêm, công khai thì hiện trạng này sẽ chuyển biến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc TP.HCM đề xuất ban hành quy định tạm thời về quản lý chó mèo cho thấy sự quan tâm của chính quyền đô thị tới lĩnh vực này, khi ngày càng nhiều vụ việc nảy sinh mất an toàn từ việc nuôi chó mèo.

Tuy nhiên, các quy định càng chi tiết bao nhiêu lại càng cần tính khả thi về việc thực hiện, kiểm tra và xử lý. Có như vậy, các quy định này mới có hiệu quả trên thực tế.