Đề xuất ghi âm tư vấn bảo hiểm của ngân hàng: Giảm thiểu tình trạng ép khách hàng

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, có một nội dung đáng chú ý là đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm.

Vì thực tế hiện nay đã cho thấy, có không ít ngân hàng, trước khi giải ngân khoản vay cho khách hàng đã yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm. Ngoài ra, trong quá trình tư vấn, nhiều nhân viên ngân hàng không tư vấn đúng, đầy đủ khiến khách hàng hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm.

Liệu đây có được coi là một giải pháp, có thể giảm thiểu tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm mới được vay vốn hay không? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Điều hành công ty TCA Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất ngân hàng phải ghi âm cuộc tư vấn bảo hiểm. Ảnh: Lao Động

PV: Thưa ông, trước việc Bộ Tài chính đang đề xuất, sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng phải ghi âm và lưu trữ cuộc tư vấn bảo hiểm trong ít nhất 5 năm, ông có cho rằng đây sẽ là một giải pháp có thể phần nào giảm thiểu được tình trạng, nhân viên ngân hàng ép người vay tiền mua bảo hiểm, đang diễn ra hiện nay không?

Ông Nguyễn Trọng Hiếu: Về việc này cá nhân tôi rất đồng tình. Đây có lẽ là một trong những biện pháp để giảm thiểu tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, khi đi làm các dịch vụ về tín dụng, ngân hàng, tài chính ở các tổ chức tín dụng, và tư vấn một cách không đầy đủ, không trung thực về sản phẩm bảo hiểm.

Bởi vì trên thực tế thì bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm dịch vụ tài chính mà hoàn toàn tự nguyện, nó liên quan rất nhiều yếu tố khác như là thẩm định, thẩm tra về sức khỏe, về tài chính rồi đặc thù của mỗi người, của mỗi gia đình.

Mỗi một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi mà ra đời thì cần được tư vấn rất là cặn kẽ về tất cả mọi thứ liên quan đến người đó. Nhưng mà những sản phẩm mà mua tại các ngân hàng thời gian vừa rồi, thì rất nhiều sản phẩm trong số đó đã được tư vấn rất là qua loa, cho xong.

Chính vì vậy mà bản thân khách hàng cũng không hiểu hết được ý nghĩa của cái sản phẩm đấy, đôi khi nó không đúng với nhu cầu của khách hàng, khách hàng mua cho xong, mua theo gợi ý của nhân viên tín dụng để cho được việc của mình.

Tuy nhiên thì chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ cùng một lúc chứ không hẳn chỉ có một biện pháp như thế này, nó cần nhiều biện pháp hơn nữa. Và cá nhân tôi thì thấy là một trong những biện pháp cần phải làm quyết liệt hơn, đấy là nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn của các bạn nhân viên bên ngân hàng về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

PV: Vậy ngoài việc ghi âm lại quá trình tư vấn bảo hiểm, người mua cần làm gì để có thể đảm bảo được quyền lợi khi mua bảo hiểm, qua kênh ngân hàng hay là cả những kênh khác?

Ông Nguyễn Trọng Hiếu: Đối với người tham gia bảo hiểm nhân thọ thì trước hết cần phải hiểu rõ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm hoàn toàn tự nguyện, dựa trên nhu cầu, khả năng tài chính của cá nhân, của gia đình khách hàng, và không có bất kỳ tổ chức nào được quyền ép khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ cả.

Khách hàng trước khi tham gia thì cần tìm hiểu kỹ về kiến thức bảo hiểm nhân thọ ở trên các kênh chính thống.

Bởi vì thực tế là các công ty bảo nhân thọ thì đều tốt. Mỗi sản phẩm của mỗi công ty thì đều có những cái đặc thù, có những cái điểm đặc biệt khác biệt, khác nhau và nó sẽ tốt cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Cái sai ở đây đôi khi là sai do con người, sai do tư vấn hoặc sai do chính khách hàng mà thôi.

Còn trên thị trường hiện nay thì cũng không có sản phẩm bảo hiểm hiện thọ nào là tốt nhất cả, chỉ có sản phẩm nào mà phù hợp với mình nhất mà thôi. Và đặc biệt nhất là đối với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì người tư vấn là yếu tố vô cùng quan trọng.

Hãy chọn cho mình người tư vấn có tâm, có kiến thức, có kỹ năng đầy đủ, thì chúng ta sẽ biết cách để lựa chọn cho mình cách tham gia vào những cái sản phẩm tốt nhất.

PV: Xin cảm ông.