Đề xuất dạy thêm là hoạt động kinh doanh có điều kiện: Cần làm rõ bản chất

Đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện đã được đưa ra cách đây vài năm, sắp tới đề xuất này tiếp tục được Bộ GD&ĐT kiến nghị với Quốc hội.

Quản lý việc dạy thêm sao cho hiệu quả, phát huy tác dụng mở mang tri thức, đồng thời không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh là quan điểm của PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

PV: Ông nghĩ sao về đề xuất (không mới, đã từng được bàn luận cách đây vài năm) đó là đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện? Phải chăng, khi chưa quản lý tốt việc dạy thêm, học sinh và phụ huynh vẫn còn đó những trăn trở khó nói thành lời?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Tôi nghĩ rằng đây là một trong những giải pháp mang tính quản lý nhà nước rất là tốt để đưa hoạt động dạy thêm đi vào nề nếp. Lâu nay chúng ta vẫn hay nói với nhau rằng dạy thêm đang biến tướng, trở thành một lĩnh vực đem lại siêu lợi nhuận và nó làm cho việc học của học sinh gặp phải rất nhiều áp lực.

Áp lực ở trong trường, rồi áp lực phải học thêm nữa thì tôi nghĩ rằng biện pháp quản lý mạnh tay như thế này chắc chắn rằng chất lượng của việc học thêm sẽ trở nên tốt hơn, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của phụ huynh cũng như học sinh, và của cả công tác đào tạo, giáo dục của nhà trường.

Ảnh nh họa

PV: Rõ ràng chuyện quản lý việc dạy thêm đã được tính toán, nghiên cứu từ lâu, đây không phải ý kiến mới. Vậy ông có đề xuất gì cho Bộ GD&ĐT để trong lần kiến nghị sắp tới trước Quốc hội sẽ nhận được kết quả tích cực, góp phần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Có mấy điểm mà chúng ta cần làm rõ. Một, nó không dành cho nhóm học sinh đại chúng mà chỉ có những học sinh nào có năng lực học tập chậm hơn các bạn để bổ sung, để theo kịp yêu cầu của chương trình, thứ hai là những nhóm học sinh mà có năng khiếu hoặc là có những năng lực đặc biệt về một cái môn học.

Các em muốn phát triển hơn kiến thức cũng như kỹ năng đó thì việc học thêm sẽ giúp cho các em phát triển được thì như vậy chương trình học thêm phải khác so với chương trình giáo dục phổ thông.

Yếu tố thứ hai, việc mà chúng ta để cho giáo viên dạy chính học sinh của mình sẽ dẫn đến câu chuyện là giáo viên rất dễ dàng ép học sinh phải đi học môn học của mình, ra những bài tập, câu hỏi và nó không liên quan gì đến cái việc học trên lớp mà chỉ học sinh đi học thêm của cô thì mới có thể giải được thì việc đi học thêm trở thành một hoạt động kinh doanh có điều kiện thì sẽ loại bỏ được câu chuyện này.

Có nghĩa là giáo viên có thể được dạy học sinh của trường khác, đơn vị khác thì giáo viên vừa tăng thu nhập nhưng đồng thời nó sẽ xóa đi được ý kiến của xã hội là việc là giáo viên sử dụng học thêm để mà kiếm tiền từ phụ huynh.

PV: Xin cảm ơn ông.