Đề xuất chồng được nghỉ tối thiểu 10 ngày khi vợ sinh thường, gấp đôi khi sinh đôi, sinh mổ

Mới đây, trên nghị trường, có ý kiến đóng góp dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về việc tăng số ngày được nghỉ cho lao động nam khi vợ sinh con lên tối thiểu 10 ngày.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người cha tăng lên trong vòng 6 tháng kể từ ngày vợ sinh con để có thể hỗ trợ cho người mẹ chăm con sau khi hết thời gian nghỉ thai sản của người mẹ.

Xung quanh đề xuất này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý xã hội.

 

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về đề xuất lao động nam được nghỉ tối thiểu 10 ngày có hưởng lương khi vợ sinh thường, nghỉ gấp đôi khi vợ sinh mổ, sinh đôi? Nó có ảnh hưởng ra sao với những người trong cuộc?

Bà Trần Thu Hương: Đối với với phụ nữ sau khi mang thai và sinh con, có nhiều sự thay đổi cả thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta thường nghe nhiều về những trạng thái tinh thần của người phụ nữ khiến chất lượng cuộc sống của họ sau sinh cũng như tiến trình chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng. Đó là “baby blues”, tức là trạng thái buồn sau sinh, nếu nặng lên thì sẽ là trầm cảm sau sinh.

Những trạng thái này thường diễn biến từ khoảng 5 ngày sau khi sinh. Vì vậy, nhu cầu có người chăm sóc, đồng hành cùng cả tinh thần và vật chất rất quan trọng. Trong khi xã hội hiện đại thì các bậc cha mẹ trẻ thường ở riêng, việc có ông bà hỗ trợ ngày càng ít đi. Nếu người cha không có thời gian bên người mẹ và đứa trẻ thì ảnh hưởng lớn tới tiến trình chăm sóc đứa con, chất lượng cuộc sống và tinh thần người mẹ.

Chế độ thai sản cho người đàn ông có vợ sinh con cũng là câu hỏi khiến Nhà nước khi làm chính sách cũng cần phải quan tâm. Đề xuất này rất cần thiết, đúng vào thời điểm, xuất hiện trạng thái “baby blues” để người đàn ông giúp phụ nữ tránh rơi vào trầm cảm sau sinh. Nhà nước kéo dài thời gian cho người đàn ông ở nhà cùng vợ, tôi cho rằng là đúng đắn.

Chính sách thai sản cho phụ nữ cũng cần lưu ý tới phúc lợi cho người chồng để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Ở một số quốc gia, đã có quy định khuyến khích người chồng nghỉ việc chăm vợ con

PV: Còn tác động kinh tế thì sao, liệu có cần cân nhắc điều gì không, thưa bà. Đặc biệt là với những người trong độ tuổi lao động, họ thường lo là nếu ở nhà thì sẽ “chết đói”?

Bà Trần Thu Hương: Với các gia đình trẻ, ra quyết định sinh đẻ trong độ tuổi sinh đẻ và lao động cũng là điều cân nhắc. Đây là giai đoạn họ phải lao động để làm ra kinh tế nuôi sống gia đình và bản thân. Sinh con là tốn kém, khiến các gia đình tính toán nhiều điều, cả về kinh tế.

Những cặp vợ chồng lương thấp, thì nếu ở nhà cả hai sẽ rất khó để kiếm được kinh tế chăm sóc gia đình. Nhà nước cho phép nam giới nghỉ thai sản được hưởng lương rất có ý nghĩa với gia đình đó, nhưng nó cũng có tác động kinh tế. Chúng ta biết, trong xã hội, ngoài hưởng lương, người ta cũng làm rất nhiều công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Nếu nghỉ như vậy trong quãng thời gian sức lực lao động còn nhiều thì cũng ảnh hưởng, phần nào đó giảm hiệu suất về mặt kinh tế. Đó cũng là vấn đề đặt ra cho các cặp vợ chồng, cũng như chính sách của nhà nước phải cân nhắc.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hiện có khoảng 78 quốc gia có quy định hình thức nghỉ phép dành cho người cha. Họ cũng có các chế độ thai sản đa dạng, trả lương 80% đến 100%  để khuyến khích các ông bố nghỉ để chăm sóc vợ con, giúp người vợ hồi phục sức khỏe nhanh, có nhiều sữa mẹ, nuôi con tốt hơn và đặc biệt là góp phần giảm được nguy cơ trầm cảm sau sinh ở bà mẹ. Thậm chí, điều này cũng sẽ góp phần vào việc khuyến sinh cho những cặp vợ chồng đang cân nhắc về việc có con.