Dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Có phù hợp hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17), nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liệu có phù hợp với thực tiễn hiện nay hay không, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với thầy giáo Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI (Học mãi).

 

PV: Ông có cái nhìn như thế nào về việc, hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền: Thực tế chúng ta thấy rằng, việc dạy thêm, học thêm nó là điều không thể tránh khỏi và chúng ta chỉ có cách nào quản lý và hạn chế được nó thôi, bởi vì đó là cái nhu cầu, nó giống như một cái luật cung cầu của cái xã hội này vậy.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng, việc dạy thêm, học thêm nó giống như một cái giá trị gia tăng, và nó giống một cái dịch vụ hơn. Nếu như đã là một dịch vụ giá trị gia tăng, thì chúng ta sẽ phải có quy định liên quan đến nó và hành lang pháp lý, pháp luật liên quan đến nó, và nó phải trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nó sẽ giúp cho cái việc quản lý, giám sát việc dạy thêm, học thêm được tốt hơn từ chính các cơ quan nhà nước.

Bởi lẽ chúng ta thấy rằng, cái việc dạy thêm, học thêm trước nay nó đã thiếu sự đồng bộ về mặt quản lý, lỏng lẻo về mặt quản lý, và nó đã biến tướng rất là nhiều và gây bức xúc cho xã hội. Rõ ràng là càng cần phải có những cái hành lang pháp lý về pháp luật và những cái điều kiện cần thiết, để mà chấn chỉnh cái việc mà học thêm, dạy thêm.

Ảnh nh họa: CAND

PV: Để Nếu quy định này được đưa vào thực tiễn, theo ông, cần có cơ chế quản lý, giám sát và xử phạt như thế nào, để có thể mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền: Bản chất cái việc đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rồi đưa các hành lang pháp lý ra, thực tế là chúng ta đang chỉ kiểm soát và quản lý nó thôi. Còn cái mục đích của vấn đề dạy thêm, học thêm thì chúng ta cần phải quan tâm đến cái gốc của nó. Nói thẳng với nhau đó là: “Tại sao mà người ta phải đi học thêm?”.

Tất cả là bởi vì thi. Vì cái thi cử hiện nay của chúng ta nó quá là nặng nề. Đáng nhẽ ra cái nặng nề đấy nó chỉ nên ở cái phần cuối cấp, là khi mà chúng ta đi thi vào những trường chuyên, lớp chọn hay những trường có tỉ lệ chọi cao, những trường đại học tốp đầu. Để mà đỗ được thì chuyện học thêm nó là điều đương nhiên. Nhưng cái dở ở đây đó là, chúng ta đang biến cái việc thi cử nó nặng nề ngay từ những bài kiểm tra học kỳ, kiểm tra giữa kỳ. Chính cái điều đấy mà học sinh không học thêm cũng phải học thêm.

Nếu như mà để phân định được rõ cái trách nhiệm và quyền hạn, rồi thì có thể xử phạt hay là giám sát được tốt, thì chúng ta sẽ phải phân thức rõ cái câu chuyện đó là, kiến thức truyền đạt ở trong phổ thông và kiến thức dạy thêm nó sẽ là như thế nào.

Chúng ta phải hiểu rằng là kiến thức ở trong phổ thông đó là cái sứ mệnh, người giáo viên và ngành giáo dục phải có trách nhiệm về chuyện đó, và sứ mệnh thì không có dạy thêm, học thêm. Còn cái việc dạy thêm, học thêm thì đó là làm dịch vụ giá trị gia tăng, thì đó chính là những cái phần kiến thức mà nhà trường không cung cấp được. Khi mà chúng ta phân rõ được như thế rồi, thì cái câu chuyện về xử phạt, về giám sát, kiểm tra nó mới hiệu quả, chứ còn hiện nay thì tất cả nó đang khá là mập mờ.

 PV: Xin cảm ông.