Dấu ấn thị trưởng ở đâu khi thành phố ùn tắc?

Giảm ùn tắc giao thông chưa phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng nhiệm kỳ của lãnh đạo thành phố. Chưa có nhà quản trị nào phải chịu trách nhiệm về hiện trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội.

Trong gần 20 năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án thí điểm nhằm giảm ùn tắc.

Đó là tách làn, nhập làn, rồi lại tách làn trên các tuyến Nguyễn Trãi, Đại Cồ Việt. Là bịt ngã tư, không cho phương tiện giao cắt đồng mức rồi lại thông ngã tư. Là hạn chế đăng ký xe máy trong 4 quận nội thành, rồi lại cho đăng ký.

Mới đây nhất là lộ trình cấm xe máy vào năm 2030 nhưng chưa trả lời được người dân phương tiện thay thế là gì; là đề án thu phí vào nội đô nhưng không vì mục tiêu kinh tế, cũng chưa chắc chắn về mục tiêu giảm ùn tắc.

Qua nhiều cố gắng như vậy nhưng kết quả vẫn rất loay hoay, dư luận có quyền nghi ngờ vào năng lực ngành giao thông Hà Nội, năng lực những nhà tổ chức, quản lý việc đi lại của thành phố có 8 triệu dân, 1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy.

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ hết trách nhiệm lên đầu ngành giao thông, có đôi phần “oan ức”. Vì dường như ngành giao thông đang “lẻ loi” trong một nhiệm vụ bất khả thi.

Một ví dụ tiêu biểu tại tuyến Lê Văn Lương- Tố Hữu, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra việc thực hiện quy hoạch có nhiều sai phạm: Điều chỉnh quy hoạch, nhồi cao ốc, tăng diện tích, chiều cao công trình gấp nhiều lần; không đảm bảo quy chuẩn xây dựng về tỉ lệ cây xanh, chợ, sân chơi, trạm y tế, trường học.

Những đơn vị được nêu tên cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm có UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông.

Đáng chú ý, ở Hà Nội có các tuyến phố, khu vực tương tự, với những quy mô khác nhau. Chúng được một chuyên gia giao thông ví như những “Cục máu đông”, gây tắc nghẽn mạch máu giao thông Thủ đô.

Ngoài nhồi chung cư, “chất tải” dân số lên một diện tích nhỏ, Hà Nội còn chậm trễ hoặc không đưa ra được phương án đủ thuyết phục để di dời các trường học, công sở, bệnh viện ra khỏi trung tâm, giảm thiểu số chuyến đi phát sinh vào vùng lõi.

Khi được chất vấn, một nhân vật nguyên là kiến trúc sư trưởng thành phố từng nói, quy hoạch không có lỗi, lỗi thuộc về những người triển khai quy hoạch.

Trong khi đó, những người điều chỉnh, triển khai quy hoạch lại phản pháo, việc mà dư luận cho là “băm nát” quy hoạch thực chất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng sai lại tùy vào khung pháp lý từng thời kỳ, khó có thể hồi tố.

Rõ ràng, nếu để nói chi tiết về trách nhiệm với tình trạng ùn tắc, có lẽ là bất khả thi, vì nó liên quan đến quá nhiều sở, ngành, chính quyền các cấp, thậm chí cả trách nhiệm của lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Nhưng có một điều rõ ràng: Bài toán giảm ùn tắc giao thông đang quá manh mún, thời vụ, cục bộ, thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các sở, ngành. Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động giao thông khi cấp phép công trình xây dựng đang bị xem nhẹ, đằng sau rất nhiều lợi ích kinh tế ngầm.

Giảm ùn tắc giao thông chưa phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng nhiệm kỳ của lãnh đạo thanh phố. Chưa có nhà quản trị nào phải chịu trách nhiệm về hiện trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội.

Có lẽ, để tìm một nơi để bấu víu những hy vọng cho giao thông Thủ đô, người dân sẽ nhìn vào người đứng đầu thành phố.

Đó nên là một thị trưởng am hiểu, có năng lực, có tâm, có tầm, có chương trình hành động cụ thể. Đó là người bao quát, chỉ đạo điều hành được các sở, ngành, biết định hướng khi tham mưu chệch hướng, biết rõ tác động đằng sau mỗi chữ ký.

Và quan trọng nhất, thị trưởng phải là người ít bị tác động bởi lợi ích nhóm, là người sáng suốt, chọn lựa được những cán bộ có năng lực ngồi vào các vị trí then chốt, có đóng góp thực chất cho giao thông Thủ đô./.