Dành cho lái mới: Lưu ý những bộ phận dễ hỏng trên ô tô

Trên ô tô có một số bộ phận mà chúng ta có thể ước lượng được tuổi thọ trung bình như ắc quy trung bình từ 2 – 4 năm, bugi từ 3 - 5 năm... Dẫu vậy, có những chi tiết ngoại thất do phải chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài khiến chúng rất dễ hỏng.

Không phải bộ phận nào cũng có mốc thời gian sử dụng hay vòng đời cụ thể mà có một số bộ phận rất dễ gặp trục trặc, vì vậy chủ xe cần phải chú ý bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên (Ảnh: kienthuc)

Có thể bạn chưa biết, trong sách hưỡng dẫn sử dụng ô tô của nhà sản xuất đưa ra, có một số linh kiện hay thiết bị có mốc thời gian cụ thể để chủ phương tiện có thể bảo dưỡng, bảo trì hay thay mới lúc cần thiết nhằm đảm bảo xe vận hành an toàn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, không phải bộ phận nào cũng có mốc thời gian sử dụng hay vòng đời cụ thể mà có một số bộ phận rất dễ gặp trục trặc, vì vậy chủ xe cần phải chú ý bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên.

Vậy những bộ phận nào dễ hư hỏng nhất trên ô tô? 

Để làm rõ vấn đề này, anh Trung Hiếu – chuyên viên kỹ thuật đại lý ô tô Toyota (Long Biên) chia sẻ, trên ô tô có một số bộ phận mà chúng ta có thể ước lượng được tuổi thọ trung bình như ắc quy trung bình từ 2 – 4 năm, bugi từ 3 - 5 năm... Dẫu vậy, có những chi tiết ngoại thất do phải chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài khiến chúng rất dễ hỏng.

Do vậy, các chủ phương tiện cần lưu ý một số bộ phân sau để tránh tình trạng tốn kém chi phí sửa chữa nếu không được bảo quản đúng cách.

Đèn ô tô

Đây là bộ phận vô cùng quan trọng, có chức năng chiếu sáng và phát ra tín hiệu cũng như cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông tránh khỏi những va chạm không cần thiết.

Sau một thời gian sử dụng, bộ phận này thường rất nhanh hỏng. Mà nguyên nhân khiến cho đèn xe dở chứng không sáng nữa thì rất nhiều lý do như xóc mạnh vì đường xấu, di chuyển trên những địa hình không ổn định, va chạm sự cố, nguồn điện không ổn định…

Để tránh hệ thống đèn ô tô bị hư hỏng cũng như kéo dài được tuổi thọ cho hệ thống này, hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống đèn ô tô (trung bình 6 tháng/lần) để đảm bảo an toàn, bảo dưỡng ắc quy và hạn chế di chuyển vào những đoạn đường xấu, nếu bắt buộc phải đi vào đoạn đường nhiều ổ voi, ổ gà thì nên giảm tốc và rà phanh để xe hạn chế bị xóc. 

Cần gạt nước ô tô

Đây là hệ thống giúp cho người lái kiểm soát được tầm nhìn quan sát tốt nhất khi gặp trời mưa bằng cách gạt nước trên kính trước và sau.

Hệ thống này có thể làm sạch bụi bẩn bám trên kính chắn gió trước nhờ thiết bị phun nước rửa kính. Cần gạt nước cũng là bộ phận dễ gặp hư hỏng do tác động từ môi trường và cấu thành từ cao su khi thường xuyên chịu ma sát. 

Các chuyên gia khuyến cáo, tuổi thọ trung bình nên thay cần gạt sau 12 – 18 tháng, tuy nhiên với điều kiện sử dụng khắc nghiệt (do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều…) cần kiểm tra thường xuyên và thay mới nếu phát hiện hư hỏng.

Lốp và la-zăng (mâm xe) ô tô

Lốp xe là bộ phận khi hư hỏng tiềm ẩn xảy ra tai nạn nhất trên ô tô. Do luôn phải chịu tải trọng của toàn bộ chiếc xe nên có thể rất dễ rách hoặc bị nổ.

Chưa kể đến việc, lốp xe quá mòn dẫn đến việc phải hoạt động hết công suất, đặc biệt nếu thường xuyên điều khiển xe qua những khu vực nhiều ổ voi, ổ gà dễ khiến la-zăng (mâm xe) của bánh xe bị lệch khiến xe bị rung lắc.

Thông thường, hoa lốp ô tô sẽ bị mòn sau mỗi 20.000 – 25.000km quãng đường xe đã di chuyển. Kể cả hoa lốp không bị mòn thì chất cao su của lốp xe cũng bị thoái hóa. Do vậy, các chuyên gia thường khuyến cao nên thay lốp ô tô từ 3 – 6 năm sau khi sử dụng. 

Ngoài việc sử dụng lốp xe có chất lượng tốt, cũng nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng lốp đình kỳ mỗi năm 1 lần.

Phanh ô tô

Đây cũng là một trong những chi tiết trên xe thường xuyên bị hỏng hóc nhất và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu phanh không hoạt động ổn định. Vấn đề thường gặp chủ yếu như phanh bị biến dnagj, dầu phanh cạn, ống dẫn dầu bị gỉ sét và rò rỉ…

Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia kiến nghị khi xe hoạt động quãng đường khoảng 15.000 – 20.000km, chủ xe hãy đưa tới các đại lý hoặc xưởng sửa chữa để kiểm tra và thay phanh xe.

Đặc biệt, trước khi di chuyển quãng đường dài hay đèo dốc hãy kiểm tra hệ thống phanh, nếu phát hiện dấu hiệu nên xử lý kịp thời trước khi phanh gặp sự cố.

Lọc gió ô tô

Đảm nhận nhiệm vụ lọc sạch bụi bẩn khỏi không khí bên trong động cơ, nên đây cũng là bộ phận rất dễ bị hư hỏng sau một thời gian sử dụng.

Nếu động cơ không có đủ không khí sạch, xe sẽ mất khả năng tiết kiệm nhiên liệu khiến xăng bị hao và nhiều khí thải. Khi vận hành, xe có thể phát ra những âm thanh ồn ào. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chủ phương tiện nên chủ động kiểm tra thường xuyên và thay định kỳ bộ phận lọc gió động cơ từ 1 – 2 lần/năm hoặc sau khi xe đã vận hành 20.000km.

Nếu xe phải hoạt động ở trong môi trường bụi bẩn nhiều thì nên kiểm tra bộ phận này thường xuyên hơn để động cơ luôn có đủ không khí để đốt cháy nhiên liệu tốt nhất.