Dân làng tiện gỗ Nhị Khê quyết tâm ngăn chặn "bà hỏa"
Xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội) có làng nghề tiện gỗ, vậy nên các hộ gia đình thiết kế nhà ở gắn liền với nơi sản xuất.
Thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa và hạn chế hậu quả do hỏa hoạn gây nên.
Ở đây, các sản phẩm tiện từ gỗ như: hạt chiếu, vòng tay, các loại chuôi, khuân xôi,... được bà con sản xuất ngay tại khuân viên gia đình, vậy nên không khó để thấy các chất dễ cháy như mùn cưa, bào gỗ,.... Nguy cơ cháy, nổ tại làng nghề này rất cao, nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả. Bà Doãn Thị Ngọc, chủ cơ sở tiện gỗ lâu năm tại Nhị Khê cho biết, gia đình bà có quy mô cả nhà ở và nơi sản xuất ên tới gần 1000m2. Qua các buổi tuyên truyền, tập huấn từ lực lượng PCCC và CNCH, chính quyền địa phương, gia đình bà đã ý thức hơn về công tác phòng chống cháy nổ. Theo đó, các kiến thức tuyên truyền về phòng chống cháy nổ được hiện thực hóa bằng các việc làm như: luôn chú trọng đến đường điện; gắn các biển cảnh báo PCCC, đặt bình xịt chữa cháy tại nơi sản xuất; lắng nghe các bản tin tuyên truyền về kỹ năng PCCC trên loa phát thanh của làng;... Anh Nguyễn Trọng Sơn, làng Nhị Khê chia sẻ, “Được cán bộ PCCC và CNCH tuyên truyền, hướng dẫn, nên cứ sản xuất xong là tắt hết thiết bị điện. Các nguyên liệu sản xuất dễ cháy sẽ để riêng, cách xa nguồn điện. Thực tế tại làng nghề tiện gỗ Nhị Khê đã xảy ra cháy, tuy nhiên, với các kỹ năng được tập huấn qua các buổi diễn tập thực tế, nên lực lượng dân phòng chữa cháy tại cơ sở đều thuần thục quy trình xử lý đám cháy. Để đạt được những kết quả trên, lực lượng chức năng thường xuyên mở các lớp tuyên truyền, huấn luyện an toàn phòng chống cháy nổ cho lực lượng dân phòng tại cơ sở và người dân để chủ động trong công tác PCCC&CNCH. Ông Lều Lê Trung, Đôi trưởng Đội dân phòng xã Nhị Khê cho biết, các vụ cháy tại đây đa phần xuất phát từ các kho hạt, khi gia đình đang xay hạt gỗ bị mất điện, mất pha hoặc xay qua đêm. Nhưng đều là các đám cháy nhỏ, ở tại các xưởng nhỏ và với kỹ năng được huấn luyện, đội dân phòng tự tin khi xử lý đám cháy. Lực lượng dân phòng xã Nhị Khê diễn tập dập lửa, báo động người dân nếu xảy ra cháy. Sau đó phân định đám cháy, nếu đám cháy to sẽ báo 114, cùng với đó là cử người lấy bình xịt chữa cháy để dập lửa tại chỗ. Các công đoạn đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như người trong đám cháy. Theo Thượng úy Nguyễn Quang Huy, Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an huyện Thường Tín, công tác tuyên truyền tới người dân và tập huấn chuyên sâu cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh việc diễn tập, lực lượng Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an huyện Thường Tín còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên xuống địa bàn, lắng nghe phản ánh, ý kiến nguyện vọng của người dân và nắm bắt chuyên môn của lực lượng chữa cháy cơ sở để bồi dưỡng thêm các kiến thức về công tác xử lý đám cháy.
Công tác điều tra, nắm bắt địa bàn kết hợp với tuyên truyền được Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an huyện Thường Tín đẩy mạnh để hiểu đặc thù sản xuất và kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ dẫn tới cháy nổ. Trung tá Nguyễn Xuân Chiến, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Thường Tín cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới lực lượng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các phương án để đảm bảo công tác PCCC và CNCH nói chung và các hộ gia đình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh nói riêng. Các phương án được thực hiện đồng bộ từ tuyên truyền cho đến diễn tập, huấn luyện đã và đang được Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Thường Tín thực hiện, trong đó chú trọng, đẩy mạnh phương châm 4 tại chỗ ( Con người tại chỗ - Chỉ đạo tại chỗ - Phương tiện tại chỗ - Hậu cần tại chỗ). Cùng với sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, ông Lê Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê, huyện Thường Tín cho biết, căn cứ các quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND xã đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các gia đình có nhà ở thiết kế gắn liền với nơi sản xuất.Trong thời gian tới UBND xã đang đề xuất với các cấp cao hơn quan tâm để làng nghề có khu sản xuất riêng, đảm bảo các điều kiện an toàn trong đó có an toàn về PCCC và CNCH. Không chỉ riêng xã Nhị Khê, hiện nay, các làng nghề đã phát triển cả về số lượng và loại nghành nghề. Vì vậy, để đảm bảo công tác PCCC và CNCH tại các làng nghề nơi có nhiều dạng nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và các phương án cụ thể của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh cần nêu cao tinh thần phòng chống cháy nổ để giảm thiệt hại về con người và kinh tế, góp phần đưa làng nghề phát triển./.