Đám cưới và đám tang

Đám cưới và đám tang là những chủ đề quen thuộc với tất cả mọi người. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ về đám cưới và đám tang với góc nhìn của một người quan sát để đặt ra những câu hỏi?

Hôm nay tôi lại vừa nhận thêm được 1 thiệp cưới và vừa mới hôm qua, tôi cũng vừa đi dự một đám tang.

Tôi nghĩ, đối với những cư dân đô thị, câu chuyện đi dự những đám tang hay đám cưới vừa là một thông lệ, nhưng cũng được chứng kiến sự thay đổi về phong tục, cách thức tổ chức đám tang, đám cưới hiện nay.

Cách tổ chức lễ tang của các cư dân đô thị ngày nay đã rời xa so với những phong tục nhiều đời từng được ghi chép lại trong nhiều tài liệu cổ cũng như cận đại, như là Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, hay một số tài liệu khác.

Các lễ tang, đặc biệt là của cư dân đô thị, còn rất ít những hoạt động giống như những cách của người Việt đã tưởng nhớ, tiễn đưa những người đã khuất.

Nó có hơi hướng được lấy một chút của các phong tục mà chúng ta nhìn thấy trong phim ảnh ở phương Tây, khiến lễ tang của những cư dân đô thị phải nói là lộn xộn, đôi khi là nó quá phô trương, không có được sự tĩnh lặng cần thiết, sự sẻ chia với các thân nhân của những người đã khuất.

Thậm chí kể cả những lúc đi dự lễ tang ở Nhà tang lễ Quốc gia, việ tương đối phổ biến là mọi người chen chúc nhau tìm cách vượt lên trước, đưa các đoàn viếng cùng vòng hoa vào rồi đi về. Nhìn vào những đám tang như vậy, chúng ta thấy được rất ít sự ấm áp, sẻ chia nhưng thừa sự phô trương.

Rước dâu kiểu xưa (Ảnh: Trí thức trẻ)

Cũng giống như câu chuyện của các đám cưới. Các đám cưới thời nay đã khác rất xa với đám cưới theo phong tục cổ truyền.

Tất nhiên, chúng ta bây giờ không phải là thời của trước đây, để bố mẹ phải đến ăn hỏi, sắp đặt, dạm ngõ, vấn danh, tìm hiểu… mà đám cưới được hình thành do tình cảm của các thanh niên, rồi bố mẹ, gia đình, mọi người chủ yếu là tổ chức lễ như dịp để mừng cho việc kết hôn.

Tuy nhiên, các đám cưới cũng đã đi quá xa trong một chặng đường so với trước đây – khi mà chúng ta có những đám cưới vui vẻ và mọi người sẻ chia trong không gian của những người quen biết nhau tại gia đình với đôi thanh niên kết hôn.

Chúng ta đã biến nó như là một sự kiện, như là một cách mà mọi người vẫn nói vui là đi trả nợ lẫn nhau. Đôi khi việc đó tạo khó khăn cho cả những người muốn giới hạn khách mời; và chúng ta có những đám cưới ồn ào, thiếu đi tình cảm nồng ấm, vui chung.

Tôi nghĩ, trong một xã hội, hai nghi lễ đám tangvà  đám cưới là khá quan trọng, để hình thành văn hóa của xã hội, cũng như các quy tắc ứng xử.

Có lẽ, đã đến lúc, những người quan tâm cũng như các cơ quan liên quan nên nghiên cứu và nên đưa ra một số những quy tắc phù hợp (không phải là bắt buộc), nhưng nên khuyến khích áp dụng. Việc khuyến khích đó nên bắt đầu từ những người có trách nhiệm.

Tôi nghĩ sẽ rất tình cảm và ấm áp, nếu như những đám tang, mọi người không phải mang theo vòng hoa giống nhau và cũng không phải tìm cách chen chúc nhau để đi lên đằng trước, rồi phải gọi tên đoàn nọ, đoàn kia, hay gọi chức tước của những người đến viếng.

Giá như chúng ta hình thành thói quen, mỗi người đến viếng người đã khuất và có thêm một cành hoa, lặng lẽ đặt lên trước lĩnh cữu người đã mất và chia sẻ với gia đình thì sẽ thật là hay.

Còn với đám cưới, sẽ được tổ chức giữa những người quen biết, trong không khí gia đình; hoặc nếu có một cuộc liên hoan, thì không cần quá linh đình, để mừng cho các cháu, thì sẽ tình cảm hơn và giúp cho xã hội bớt phô trương hơn.

Dù gì đi nữa, tôi nghĩ, đã đến lúc các cơ quan liên quan nên có những nghiên cứu, nên có những cách tiếp cận phù hợp với vấn đề này.