Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ hồi phục sau bão lũ

Để có thể nhanh chóng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sớm tái sản xuất, từng bước phục hồi sau bão, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, để các chính sách này sớm được đưa vào thực tế thì cần có những văn bản dưới Luật hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trường, chỉ đạo của chính phủ. 

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến hơn 307 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết, nhiều tàu thuyền bị hư hỏng, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình mất trắng với tổng thiệt hại ước tính trên 50 nghìn tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 143, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tái thiết sản xuất, thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Ảnh: UNICEF

Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ, bao gồm người dân, lao động, nhóm yếu thế, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất. Hỗ trợ sẽ tập trung triển khai trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10/2024.

Đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thời gian thực hiện chính sách có thể được kéo dài đến cuối năm 2025 nhằm đảm bảo quá trình phục hồi và thích ứng với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Nhiều ý kiến khẳng định, Nghị quyết 143 được coi là căn cứ, nền tảng để triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.  Hiện nay là thời điểm gần cuối năm. Những chính sách hỗ trợ có thể kéo dài từ năm nay sang năm 2025.

Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, nêu rõ về các mốc thời gian cụ thể áp dụng các chính sách hỗ trợ, làm căn cứ cho các ngành, địa phương đưa vào kế hoạch của năm tới và triển khai thực hiện.

Về phía các Bộ, ngành cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, phân loại các nhóm đội tượng bị ảnh hưởng theo từng mức độ, trên cơ sở đó cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thành các văn bản hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

Các giải pháp hỗ trợ phải nhanh chóng, khả thi, kịp thời hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Đối với các hộ gia đình, Hợp tác xã, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do bão, tùy từng mức độ thiệt hại và nhu cầu của người dân mà các địa phương, ngành chức năng bố trí ngân sách cho phù hợp; đề xuất những giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, ngành thuế cần đề xuất các đối tượng ễn, giảm, gia hạn thuế phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phương châm ưu tiên khẩn trương, kịp thời, song cần có cơ chế giám sát, hậu kiểm đánh giá hiệu quả

Về phía hệ thống ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, ngoài việc cung cấp những gói tín dụng hỗ trợ cho hộ gia đình, doanh nghiệp, cũng cần mở rộng phạm vi đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, ễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sớm được phục hồi thì những chính sách phải đúng đối tượng, đảm bảo phát huy hiệu quả chính sách, các công cụ, các nguồn lực hỗ trợ, tránh cào bằng, tránh trục lợi chính sách. Trước mắt, phương châm ưu tiên khẩn trương, kịp thời, song cần có cơ chế giám sát, hậu kiểm đánh giá hiệu quả.

Đồng thời, quá trình triển khai ở địa phương cần đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng, tránh tình trạng, người dân cần nhưng không thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phải phát huy sự chủ động, nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương các ngành, các địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ, phục hồi người dân sản xuất kinh doanh cũng cần tăng các các hoạt động giám sát, đánh giá, nhanh chóng phát hiện, báo cáo những vướng mắc lên cấp trên để tháo gỡ những “nút thắt”, sớm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả những chính sách kịp thời của Chính phủ.