Công nghiệp ôtô, vì sao mãi luẩn quẩn?

Trong 5 năm qua, tốc độ phát triển ngành ôtô Việt Nam cao nhất ASEAN, đạt khoảng 12 - 13%, quy mô dự báo lên tới 1 triệu xe/năm vào năm 2025. Mặc dù nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường ô tô trong nước, thế nhưng ngành côn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bên trong nhà máy Huyndai Thành Công

Bộ Công Thương cho biết hiện Việt Nam có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó, hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Con số này quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.

Chưa kể, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, dây phanh, ống xả, ghế ngồi…), chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...

Theo các chuyên gia, 80% linh kiện sản xuất ô tô tại Việt Nam là nhập khẩu, trong khi đó con số này tại các nước trong ASEAN (Thái Lan, Indonesia,..) trung bình là 10% - 20%.

PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá trong những gần đây, mặc dù nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường ô tô trong nước thế nhưng ngành công nghiệp ô tô của nước vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

“Khó khăn lớn nhất của chúng ta là chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất những phụ kiện và linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô. Chúng ta mới chủ yếu thực hiện công nghệ lắp ráp mà công nghệ lắp ráp ô tô của chúng ta hiện nay có nhược điểm rất lớn là chi phí và giá thành rất cao. Đồng thời có những doanh nghiệp lắp ráp chưa đảm bảo chất lượng tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng nhập ngoại cùng loại ô tô đó”, PGS TS Ngô Trí Long cho biết. 

Một khó khăn nữa được chỉ ra, hạ tầng cơ sở còn chưa phát triển do đó Chính phủ dùng chính sách tài chính để hạn chế việc sử dụng ô tô dẫn đến dung lượng tiêu thụ của thị trường ô tô bị thu hẹp. Và với dung lượng nhỏ như vậy thì việc sản xuất, lắp ráp ô tô không đủ để bù đắp chi phí, không có lãi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô của nước ta hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để tạo lực kéo cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, cần chuyên môn hóa một vài dòng xe, giúp các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng tập trung nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô để hỗ trợ nhau cùng tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

VinFast dành 70 ha để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VTC

Hiện nay, Việt Nam có 3 doanh nghiệp lớn là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast; trong đó Thaco có 20 nhà máy sản xuất chi tiết, VinFast cũng dành 70 ha để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, Hyundai Thành Công cũng đang mở rộng nhà máy thứ hai.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến: “Chúng ta rất hoan nghênh Vingroup xây dựng một doanh nghiệp sản xuất ô tô Vinfast. Qua đó họ mong muốn các doanh nghiệp có thể cung cấp được các vật tư hỗ trợ, các linh phụ kiện hỗ trợ cho việc sản xuất xe ô tô. Họ mời các nhà đầu tư đến đặt doanh nghiệp ở khu Vinfast để phát triển và cung cấp sản phẩm lâu dài cho họ. Tất nhiên là đòi hỏi phải cao. Vinfast đang sản xuất ra những chiếc ô tô chuẩn mực quốc tế thế thì các bộ phận, linh kiện cũng phải đạt các chuẩn mực quốc tế, từ đó giúp cho công nghiệp hỗ trợ phát triển”.

Trong khi đó, bà Trương Thị Chí Bình, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho rằng trong thời gian tới, cần có chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp phụ tùng ô tô: “Công nghiệp kém, vốn không đủ và thực tế ngành này là ngành sản xuất đòi hỏi vốn rất lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, ví dụ so dịch vụ hay thương mại chẳng hạn thì ngành này cần vốn đầu tư khá lớn thì họ chẳng được hỗ trợ gì hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cả, nên đây là khu vực doanh nghiệp khó khăn nhất”.

Có thể nói để phát triển, ngành ô tô của Việt Nam cần tận dụng những lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó nhà nước cần đưa ra những chính sách khuyến khích đột phá nếu muốn bắt kịp các nước trong khu vực.