Còn đâu vỉa hè phường Hàng Buồm?

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông nhận được nhiều ý kiến của người dân về tình trạng khu vực vỉa hè trên nhiều tuyến phố của phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Vẫn biết kinh doanh trong khu vực phố cổ là điều khó khăn, thậm chí các hàng quán vỉa hè còn được coi là nét đặc trưng của du lịch Hà Nội.

Thế nhưng, việc các cơ sở kinh doanh tận dụng điều này để bành trướng, chiếm trọn cả vỉa hè dành cho người đi bộ gây mất ANTT, không đảm bảo ATGT là điều cần phải xử lý dứt điểm.

Phản ánh đến Kênh VOV Giao thông, chị N.T.P (trú tại quận Hoàn Kiếm) cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại ngã tư phố Hàng Giầy giao với phố Hàng Buồm đã diễn ra từ lâu nay thế nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo phản ánh của thính giả, PV Kênh VOV Giao thông đã tiến hành xác nh và nhận thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại khu vực vỉa hè của ngã tư này, mặc dù đối diện là Đền Bạch Mã, di tích lịch sử được xếp hạng câp quốc gia, thế nhưng luôn trong tình trạng lộn xộn, ầm ĩ và đầy mùi khói bếp.

Ghi nhận vào sáng ngày 26/11, trước cửa nhà số 20 góc ngã tư phố Hàng Giày – Hàng Buồm, đã bày la liệt bàn ghế, tủ thức ăn chắn hết vỉa hè. Mùi thức ăn, khói bếp bốc ra khiến người đi đường phải lắc đầu ngao ngán.

Nhiều người đi bộ khi đến đoạn ngã tư này cũng phải rón rén bước xuống vỉa hè, đi cùng dòng phương tiện để nhường chỗ cho quán ăn này.  Chị N.T.P bức xúc: “Ở ngay chỗ ngã tư Hàng Giầy – Hàng Buồm người ta cứ bày bàn ghế ra vỉa hè. Trước đầy phường cũng yêu cầu dừng lấn chiếm rồi nhưng được một thời gian ngắn thì lại đâu vào đó, rất xấu và mất mỹ quan…”

Được biết, mặc dù trước đó các quán ăn trên phố Hàng Buồm chiếm dụng lòng đường vỉa hè đã được các cơ quan chức năng xử lý và yêu cầu cấm tái phạm.

Thế nhưng trên thực tế, chỉ một thời gian sau khi bị xử lý, các quán ăn này vẫn cố tình coi vỉa hè như sân nhà của họ để tự do kinh doanh và đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Quán ăn nay chiếm trọn phần vỉa hè góc ngã tư phố Hàng Giầy – Hàng Buồm khiến tất cả người đi bộ qua đây đều phải đi xuống lòng đường. Được biết quán ăn này đã từng bị xử lý về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng, sau đó thì đâu lạu vào đấy… Còn cơ quan chức năng phường Hàng Buồm vẫn để vi phạm tái diễn.

Theo người dân phản ánh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại phường Hàng Buồm không chỉ diễn ra tại phố Hàng Giầy hay phố Hàng Buồm mà còn trên nhiều tuyến phố khác trên địa bàn. Tại phố Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện từ lâu vỉa hè, thậm chí là cả lòng đường đã chẳng còn thuộc về người đi bộ mà thay vào đó là thành nơi bán hàng, nơi đỗ xe cho các cửa hàng trên phố này.

Mặc cho biển báo cấm tụ tập kinh doanh của UBND phường Hàng Buồm được dựng lên, thế nhưng mỗi tối vẫn có hàng chục nhân viên của các hàng quán đứng ra đường vẫy vẫy, chỉ chỉ thực khách vào quán của họ. Đường xá chật chội, bán ghế được bày la liệt thành nhiều hàng ra lòng đường, khiến giao thông qua các tuyến phố này rất khó khăn, thậm chí ách tắc.

Ông Trịnh Văn Nghị, người dân quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Tầm học sinh 4-5h chiều về có đứa đi bộ, có đứa chạy nhảy mà như thế này thì cản trở quá. Hàng quán mời chào người ta, chưa mùa gì mà cứ chĩa vào mặt, chĩa vào người, chúng tôi cũng có phản ảnh nhiều lần rồi về tiếng nhạc ồn quá…”

Không khó để bắt gặp tình trạng chiếm vỉa hè làm của riêng tại phương Hàng Buồm

Trước thực trạng vỉa hè nhiều tuyến phố của phường Hàng Buồm bị “chiếm làm của riêng”, nhiều người dân bày tỏ bức xúc vì tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm kể cả khi TP. Hà Nội đã có nhiều cuộc ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ.

Thế nhưng, họ cũng bày tỏ sự thông cảm với người dân tại các tuyến phố này, bởi lẽ đây là những tuyến phố nhỏ, phố cũ gắn liền với văn hóa vỉa hè, đa số người dân mưu sinh bằng cách buôn bán ở hè phố:

“Mình nghĩ việc lấn chiếm vỉa hè ở phố cổ là điều khó tránh khỏi, thế nhưng cũng nên có chừng mực chứ không thể nào quá bánh trướng. Họ cứ lấn chiếm như vậy thôi chứ không có cơ quan chức năng xử lý. Vìa hè phố cổ rất hẹp và bé, khi bị các nhà hàng lấn chiếm thì người đi bộ phải đi xuống lòng đường thì gây ùn tắc giao thông và dễ gây tai nạn nữa”.

“Người ta lấn ra để bán hàng và để xe, nhiều tuyến phố phải đi xuống đường, rất khó khăn cho những người đi bộ. Tôi rất sợ nhưng không có cách nào khác cứ phải đi thôi. Luật đã quy định trên vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng quy định này bị buông lỏng, họ nói khó khăn nên tạo điều kiện cho dân để kiếm sống, nhưng dần dần nó càng lấn tới, ngày càng lấn chiếm nhiều hơn".

"Các tuyến phố cổ đa số vỉa hè nó hẹp, nhưng người ta lấn chiếm lòng lề đường để xe, khiến khách du lịch phải đi xuống lòng đường, gây khó khăn và cản trở giao thông, ùn tắc, dễ gây quẹt xe, tai nạn giao thông".

Hà Nội đất chật người đông, nhất là trong khu phố cổ có diện tích nhà ở hẹp nên việc “tận dụng” vỉa hè làm nơi kinh doanh là điều dễ hiểu. Đây cũng là thách thức lớn đối với TP. Hà Nội trong việc duy trì trật tự đô thị nhưng vẫn đảm bảo an sinh cho người dân

Vẫn biết sinh sống, buôn bán hay đi lại trong các khu phố cổ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc người dân sống trong khu vực này phải tìm đủ mọi cách để xoay xở và ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, không thể vì vậy mà các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thậm chí tặc lưỡi hoặc ngoảnh mặt làm ngơ cho các vi phạm tái diễn…