Chuyện rác và chuyện luật

Bao nhiêu người trong chúng ta nhớ chính xác thời điểm người dân sẽ buộc phải thực hiện trách nhiệm phân loại rác tại nhà? Nếu quý vị không để ý, đó không phải lỗi của quý vị, bởi chúng ta chưa thấy bất cứ một động thái cụ thể nào để thực hiện các quy định này.

Tôi khá ngạc nhiên với ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh được dẫn lời trên báo Vietnamnet. Ông ấy nói rằng, chưa tiến hành xử phạt đối với cá nhân và các gia đình nếu như không phân loại rác thải tại nguồn từ ngày 25/8.

Nói kỹ hơn một chút quy định về việc xử phạt không phân loại rác thải tại nguồn là một hành vi vi phạm cần phải được xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 45.2022 ban hành ngày 7/7/2022 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nghị định này quy định rất nhiều quy phạm pháp luật liên quan đến xử phạt hành chính, đặc biệt là Điều 26 quy định: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi của các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Điều 26 cũng quy định về việc xử phạt vi phạm về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt và xử lý chất thải rắn thông thường…. và nhiều hành vi khác sẽ tiến hành xử phạt theo Luật Môi trường, như: hành vi của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh, các đơn vị dịch vụ, xây dựng hay đối với cả các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn…

Điều tôi ngạc nhiên đối với quan điểm của ông Tổng cục Trưởng trước hết là ở thẩm quyền. Vì Nghị định 45/20222 là một nghị định của Chính phủ, có những quy định rất rõ ràng về thời điểm áp dụng, thậm chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng không có đủ thẩm quyền để nói rằng, khi nghị định đó đã có hiệu lực thì có thể hoãn hay chưa thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị định đó, bởi vì thẩm quyền đó thuộc Chính phủ.

Và nếu như có việc như vậy, thì nó phải được quy định rất rõ ràng trong văn bản của Nghị định. Đương nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường sẽ không có thẩm quyền thay mặt Chính phủ điều chỉnh các quy định .

Thứ hai, cũng trong ý kiến của Tổng cục Môi trường, cũng như nhiều báo chí đã đưa, đó là chỉ đề cập đến một hành vi mà không phân loại chất thải rắn tại nhà. Các cơ quan chức năng cũng không nói gì đến việc các địa phương, các thành phố đã làm gì và đã làm được gì để xử lý chất thải rắn sau khi được phân loại.

Ngay chính nơi tôi ở và tôi nghĩ ở nhiều gia đình tại đô thị cũng như vậy. Chúng tôi đã tiến hành phân loại rác từ rất lâu, nhà tôi có sử dụng hai thùng rác khác nhau: 1 loại đựng rác có thể tái chế, 1 loại khác đựng rác không thể phân hủy và không thể tái chế.

Trên thực tế việc phân loại vậy trong nhà gần như không có tác dụng, bởi ngay sau khi mà nó được đưa vào trong các thùng rác của gia đình để trước cửa, người thu gom rác, công nhân môi trường họ cũng không có cách nào để phân loại, họ chỉ cho tất cả rác trong 2 thùng khác nhau lên cùng một xe rác. Xe rác đó được đưa đến điểm tập kết, rồi được đưa đến nơi tiêu hủy.

Có nghĩa là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường khi soạn thảo Luật Môi trường, soạn thảo Nghị định về xử phạt hành chính này, dường như đã không chuẩn bị một cách đầy đủ (và không biết là bao giờ mới có thể chuẩn bị đầy đủ), để có thể thực hiện được các quy định theo Luật Môi trường và theo các văn bản pháp luật khác.

Tôi muốn nói thêm là ngay trong Nghị định 45/2022 bao gồm rất nhiều quy định khác, ví dụ như là việc phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với việc không đào tạo nghiệp vụ, không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Phạt tiền việc không đảm bảo đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển; Phạt tiền hành vi làm cho rác, nước rỉ từ rác, mùi hôi thối bốc ra từ các điểm thu gom và tập kết rác…

Những quy định này đương nhiên là sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 theo quy định của Nghị định Chính phủ.

Ở đây chúng ta cũng cần phải nhắc lại là đã từ nhiều năm nay, Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các cơ quan khác nhau rằng, không có chuyện trình Luật mà không có Nghị định, không có chuyện trình Nghị định mà không có Thông tư và không có chuyện trình Thông tư hay trình Nghị định mà không có kế hoạch thực hiện.

Và quan điểm của Tổng cục Môi trường về việc thực hiện Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định phân loại và xử lý thu gom, vận chuyển chôn lấp rác thải sinh hoạt thật sự là một thứ đáng lo ngại.

Bởi vì chúng ta cũng không biết liệu lúc nào thì những quy định được trình bày trong Luật Môi trường, trong kế hoạch từ tờ trình Luật Môi trường cho Chính phủ mới có thể đi vào cuộc sống.

Và nếu như một văn bản luật được ban hành mà không thể đi vào cuộc sống thì nó không chỉ thách thức sự tin tưởng đối với cơ quan quản lý nhà nước mà nó còn làm cho các mục tiêu trong văn bản luật đó không thể thực hiện được./.