Văn hóa Việt Nam vẫn luôn mang trong mình sự độc đáo, đa dạng nhờ có sự tổng hòa từ nền văn hóa của 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên trong đó, mới chỉ có văn hóa của tộc người Việt (người Kinh) - tộc người chiếm đa số được phổ biến và chú ý nhiều hơn cả.
Chính vì lẽ đó, dự án Ethnicity Vietnam đã ra đời vào năm 2018 nhằm bảo tồn và đưa nét đẹp văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với mọi người bằng hình thức mỹ thuật số hóa các hoa văn được dệt trên thổ cẩm.
Trong đó, đặc biệt là chuỗi dự án "Chuyện người muôn năm cũ" được thể hiện qua những thước phim ngắn không chỉ nói về nghề dệt mà còn thể hiện ý nghĩa và vẻ đẹp của người làm nghề dệt qua công việc, tình cảm của họ, cũng lấy chuyện tử tế với nghề dệt để nói lên thực trạng truyền thống dần mất đi.
Đồng thời cũng giúp lưu trữ những hình ảnh nội dung tạo tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu văn hóa với thông điệp: “Chỉ cần còn hạt, niềm hy vọng về sự tiếp nối nghề dệt truyền thống vẫn còn đó”.
Sự thấu hiểu văn hoá là nền tảng của sự phát triển bền vững
Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số và dệt thổ cẩm là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời gắn liền với cuộc sống của họ… Người dệt thổ cẩm là những người kể chuyện tài ba. Họ dệt nên những câu chuyện về bản sắc, lịch sử, văn hoá, đời sống hàng ngày bằng những hoạ tiết thổ cẩm đầy sắc màu và những hình khối độc đáo và đa dạng….
Ethnicity Việt Nam – cái tên với hai thành tố Ehnic (nghĩa là dân tộc) và City (là thành thị). Hẳn nói lên mong ước đem nét đẹp văn hoá thổ cẩm cùng giá trị truyền thống tới gần đô thị và người trẻ.
Với những thước phim ngắn trong chuỗi dự án “Chuyện người muôn năm cũ”, đời sống của nghề dệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số được khắc hoạ rõ nét hơn bao giờ hết như chia sẻ của Nguyễn Phương Quyên – Trưởng bộ phận thiết kế và sáng tạo của Ethnicity Việt Nam: "Hiện nhóm đã thực hiện được 50% kế hoạch dự án và có một số thước phim lưu trữ hình ảnh. Dự án là fim ngắn, video art hướng đến nghề dệt và một số nghề truyền thống của VN còn lưu giữ lại. Với nhóm thì 53 dân tộc còn lại cũng sẽ có nét đặc sắc riêng và nhóm mong muốn làm dày lên những nền văn hoá của VN để mọi người biết đến nhiều hơn. Nhóm đã đi được 19 dân tộc với hơn 500 hoa văn bản dệt, hoa văn phát triển, hoa văn ứng dụng và tranh nh hoạ".
Khởi động từ năm 2018, với hình thức số hoá, Ethnicity Việt Nam hiện có 4 thư viện với 500 hoa văn bảo tồn, 100 hoa văn phát triển, 100 ứng dụng hoa văn, 50 tranh nh họa đời sống dân tộc đã được lưu trữ.
Để làm chiếc cầu nối giúp các hoa văn dân tộc có thể tiếp cận với đời sống đương đại dễ dàng hơn, Hồ Bảo Ngọc – Trưởng bộ phận Marketing tâm sự: bản thân những thành viên đã trải qua nhiều khó khăn – nhưng họ luôn coi đó là thử thách để vượt qua: "Một trong những thử thách là về mặt thông tin. tin chúng mình gặp những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận nghiên cứu và tìm nguồn tài liệu đáng tin cậy để hiểu hơn về hoa văn thổ cẩm, lịch sử văn hoá đi kèm với nó. Mình làm sao để đối chiếu hệ thống lại những nguồn tài liệu đó với câu trả lời thực tế từ người dân địa phương.
Còn về mặt thiết kế mọi người có thể thấy những hoa văn thổ cẩm rất chi tiết và rất đẹp, được làm 100% thủ công nên khi tái hiện lại, vector hoá lại trên kỹ thuật số thì các thành viên phải rất chi tiết tỉ mỉ để phác hoạ đúng từng mũi dệt ở phiên bản kỹ thuật số của các hoa văn thổ cẩm này"
Không chỉ vậy, để tăng tính ứng dụng của các hoa văn thổ cẩm trong nhịp sống hiện đại cũng là bài toán với Dự án. Đồng thời kết nối và lan toả tới nhiều người để họ hiểu và thêm yêu những giá trị truyền thống.
Trong hành trình đó, nhóm may mắn có sự đồng hành của các nghệ nhân – những người con của các tộc người đã chia sẻ và lan toả tình yêu văn hoá bản địa với những bạn trẻ thị thành.
Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số
Nghệ nhân A Lễ, ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – người đồng hành với dự án từ những ngày đầu tiên vẫn luôn trăn trở về sự mai một của nghề truyền thống: "Ông vẫn nói các con ơi, các cháu ơi, bây giờ phải học theo ông đi, họ vẫn trả cho mình tiền, mình đan lát họ vẫn đến trả cho mình tiền. Người ta có tiền nhiều người ta mua không trả giá, vừa mua vừa cho. Nhưng mấy đứa không chịu, không chịu khó. Cái đó tỉ mỉ quá nó không chịu làm như ông"
Còn Nghệ nhân H’yam Bkrông – xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: - người có gần 30 năm gắn bó với khung dệt bộc bạch: "Nếu mà mình không có khôi phục lại thì chắc chắn nghề này bị lãng quên vì mấy đứa trẻ không để ý gì đến nghề truyền thống nữa. Nghệ nhân ngồi dệt là nhặt từng sợi hoa văn, xỏ từng sợi chỉ ngang rất kì công, mất rất nhiều thời gian, chỉ có 50 nghìn – 70 nghìn một ngày công thôi. Mình hiểu sự quan trọng của tấm vải đó. Nó rẻ nhưng nó có giá trị với mình".
Nhờ những chuyến đi, lắng nghe tâm sự của nhiều người lớn tuổi trong làng, Ethnicity Việt Nam mới thấu hiểu cái khó của việc gìn giữ nghề dệt.
Nguyễn Phương Quyên – Trưởng bộ phận thiết kế và sáng tạo của Ethnicity Việt Nam cho biết, Ethnicity hướng tới tạo ra vòng tròn hành động bền vững. Đó là bảo tồn, phát triển, giúp người dân tộc thiểu số có công ăn việc làm từ nghề dệt thổ cẩm, giúp vải thổ cẩm không bị mai một và xa hơn là “phủ” thổ cẩm trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đó mới chính bảo tồn bền vững di sản văn hóa, giữ gìn những bản sắc của dân tộc.
"Nhóm chỉ mong muốn góp phần nhỏ nào đó để lưu trữ bảo tồn những hoa văn bản dệt của nhóm để ứng dụng trong thiết kế. Nhóm có thể hỗ trợ các bạn sinh viên thiết kế đặc biệt kiến trúc, đồ hoạ về văn hoá. Nhóm mong muốn nó là một tiền đề, một bản lưu trữ cho người dân địa phương thế hệ sau hoặc bản thân người Việt muốn học dệt thì đó có thể là một cái tham khảo để các bạn có thể học dệt và lưu giữ nghề dệt rất truyền thống của mình", Nguyễn Phương Quyên cho biết.
5 năm chưa phải quãng thời gian dài so với hàng trăm năm sống bền bỉ của nghề dệt tại các dân tộc thiểu số. 5 năm kể câu chuyện của 19 dân tộc, còn cả quãng thời gian dài để hoàn thành con số 53 dân tộc thiểu số.
Nhưng với việc từng được chọn là một trong 10 dự án trong khối ASEAN được trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama và đạt giải Ý tưởng vì cộng đồng Human Act Prize 2023 cho dự án “Chuyện người muôn năm cũ”, Ethnicity Việt Nam có thêm động lực để tiếp tục hành trình yêu văn hoá dân tộc theo cách riêng: Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số.