Chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ

Để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, đến được tận tay người có ngu cầu thì rất cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra điều phối.

Mỗi mùa mưa bão, nhiều địa phương trên cả nước đối mặt với các nguy cơ thảm họa thiên tai. Với mong muốn chung tay hỗ trợ người dân, các địa phương ở vùng ngập lũ, sạt lở đất không để bị đói, bị rét, hàng trăm đoàn cứu trợ đã kịp thời có mặt để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, đến được tận tay người có ngu cầu thì rất cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra điều phối.

Công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Những ngày này, trên mạng xã hội và nhiều nền tảng liên tục đưa các thông tin về những khu vực, người dân cần cứu trợ do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Chỉ cần một nút share, thông tin đó có thể nhân gấp trăm, gấp nghìn lần. Nhiều đội cứu hộ tự phát hừng hực khí thế, chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm chở đến các khu vực cần cứu trợ.

Hệ quả là có những nơi, hàng hóa được chất đống thành những dãy dài, trong số đó nhiều thực phẩm dễ bị hư hỏng như cơm, bánh trưng, bánh mỳ …buộc phải bỏ đi.

Lại có những khu vực, bị mất hoàn toàn điện, nước, sóng điện thoại, không thể liên lạc được với bên ngoài và ngay với cả các cán bộ xã, huyện ở khu vực đó. Người dân thiếu thức ăn, nhu yếu phẩm. Hàng trăm chiến sĩ tham gia hoạt động cứu hộ, tìm người bị vùi lấp do sạt lở thiếu đồ ăn, thức uống để tiếp tục tìm kiếm người bị nạn.

Bởi vậy, thành lập một cơ quan phụ trách và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều phối các hoạt động cứu trợ lương thực thực phẩm cho người dân là điều cần thiết, bởi sẽ giảm bớt sự lãng phí sức người, sức của của các đoàn thiện nguyện, giúp cho nhu yếu phẩm đến được tận tay những người có nhu cầu thực sự.  

Cơ quan phụ trách điều phối hoạt động cứu trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai nên được điều phối bởi Chính phủ, bởi sẽ thuận lợi trong việc thu thập dữ liệu, xác nh thông tin, phân tích và xây dựng phương án, điều phối các hoạt động cứu trợ. Chỉ có cơ quan Chính phủ mới có khả năng huy động được các nhân tài về xử lý dữ liệu, truy cập về nguồn dữ liệu dân cư của Bộ Công An, có những chỉ đạo, chính sách cụ thể đối với các đơn vị, công ty công nghệ  tham gia thực hiện dự án.

Việc tận dụng những ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều phối vắc-xin trong giai đoạn Covid-19 và từ đó phát triển thêm cho hoạt động cứu trợ cũng cần được cân nhắc bối cảnh, nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ được kịp thời, tiết kiệm chi phí.

Cơ quan phụ trách điều phối hoạt động cứu trợ sẽ thu thập các thông tin về các khu vực cần cứu trợ, nhu cầu và thông tin của các đoàn cứu trợ, cập nhật lên một ứng dụng (điện thoại), điều phối các hoạt động cứu trợ đến các vị trí phù hợp. Ứng dụng công nghệ này tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển ngay cả sau khi thảm họa thiên tai đã đi qua, để có những giải pháp dài hạn lâu dài trong tương lai khi Việt Nam đối mặt với các thảm họa thiên tai khác nhau.

Cơ quan phụ trách hoạt động phòng chống thảm họa thiên tai, cập nhật các khu vực, các địa phương có nguy cơ rủi ro thảm họa thiên tai lên bản đồ, trang bị cho các địa phương này các thiết bị cần thiết để đảm bảo duy trì thông tin liên lạc trong điều kiện cắt điện, nước và internet.

Về phía các địa phương nơi xảy ra thiên tai, chính quyền cần xây dựng kế hoạch xây dựng một tổ phụ trách ứng trực khi có thảm họa thiên tai. Song song với các hoạt động cứu hộ cứu nạn, địa phương kích hoạt hoạt động của tổ ứng trực thiên tai, bên cạnh tiếp nhận, cập nhật các thông tin về các khu vực, hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, những khu vực bị cách ly, nhu cầu về các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, nhu cầu của người dân về lương thực thực phẩm, sau đó cung cấp cho các đoàn cứu trợ, có thể mạnh dạn từ chối, chuyển sang khu vực khác nếu đã có đủ.

Các địa phương cũng có thể kêu gọi, huy động những tổ chức, cá nhân đã có kinh nghiệm, bằng cấp chứng chỉ cứu hộ cứu nạn tham gia cứu hộ, sử dụng các phương tiện để cứu hộ, cứu trợ những người dân bị mắc kẹt.

Việc cứu trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai là điều rất cần thiết, thể hiện tinh thần  đoàn kết dân tộc, lá lành đùm lá rách của dân tộc. Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ, để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, các đoàn cứu trợ nên dành thời gian nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu thực tế từ chính quyền địa phương để cứu trợ đúng người, đúng nhu cầu, tránh lãng phí. Tại những địa phương, khu vực đã có đủ, các đoàn cứu trợ cũng nên linh hoạt chuyển cho các khu vực còn thiếu, tránh tình trạng làm một cách máy móc.

Những người dân ở vùng ngập lũ, bị sạt lở thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Không chỉ là những bữa ăn trước mắt, mà họ còn cần phải xây dựng nhà cửa, trường trạm, ổn định cuộc sống sau này. Những tấm lòng, tình cảm của người dân cả nước, đoàn cứu trợ thực sự đáng quý đối với những người gặp nạn, nhưng mong rằng sẽ tiếp tục được duy trì ngay cả khi cơn bão đã đi qua./.