Vậy, cần làm gì để xóa bỏ những định kiến đó?
Tôi luôn có một phản ứng tiêu cực với bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào bán sản phẩm nông nghiệp, rau quả, hoa quả, những sản phẩm của nông thôn mà kèm theo chữ “sạch”.
Tôi đã từng có một cuộc tranh luận tương đối cởi mở với một người bạn về khái niệm sạch. Khi anh ấy nói rất say sưa về chuyện muốn xây dựng một chuỗi sản phẩm như anh ta nói là gọi là sạch.
Tôi nói với anh ấy sạch là một khái niệm không xác định, sạch của tôi khác với sạch của anh, khác với sạch của những người khác.
Và trên thị trường không có sản phẩm nào bẩn cả, chỉ có sản phẩm hợp pháp và không hợp pháp.
Khi mà vô hình trung anh gọi một sản phẩm nào đó là sạch, ví dụ như tôi bảo rằng quả xoài của tôi là sạch, điều đó cũng hàm ý là những quả xoài bán gần đó mà không có chữ sạch là không sạch hay sao?
Sạch ở đây là khái niệm và sự e ngại một cách thiếu căn cứ hầu hết là của cư dân đô thị, giống như một cái chỉ tay vào mặt của nông thôn vào mặt của nông dân. Tôi nghĩ là một sự thiếu tôn trọng đối với những người nông dân, đối với nông thôn.
Tôi nghe rất nhiều từ cư dân đô thị về chuyện nông dân họ sẽ làm không sạch chỗ này, họ làm ẩu chỗ kia, hay chuyện môi trường nông thôn, các vùng nuôi trồng của chúng ta ô nhiễm thế này, thế khác.
Có một thứ rất là rõ ràng (thường gọi là khái niệm chỉ thị sinh học) đó là: nếu như đồng ruộng của chúng ta bây giờ không sạch, thì không thể có nhiều cò như vậy. Cò trở về rất nhiều các vùng như đồng bằng sông Cửu Long, đông Nam Bộ hay đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt là mùa cấy, có về rất nhiều.
Chỉ khi môi trường của nông thôn, của ruộng đồng đang tốt lên, thì cò mới lại xuất hiện nhiều như vậy. Bởi vì cò sẽ tìm kiếm thức ăn ở những chỗ có tôm, cá. Vàtôm, cá đã chỉ sống được khi môi trường thật sự tốt lên. Nên khi thấy có quay trở lại nhiều, thì chứng tỏ môi trường đang tốt lên.
Nhưng rồi chúng ta vẫn nghe hằng ngày có người nói rằng môi trường nông thôn, đồng ruộng đang rất ô nhiễm, người nông dân đang làm cho môi trường ô nhiễm.
Tôi nghĩ tất nhiên ở đây cũng có trách nhiệm của cả cơ quan quản lý.
Tôi cho rằng, việc các cơ quan quản lý đưa ra các khái niệm sạch đối với nông sản, đối với thực phẩm là một sự phi lý. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể đưa ra các tiêu chuẩn để những sản phẩm nào có thể bán và những sản phẩm nào không được phép bán trên thị trường, chứ không có khái niệm sạch hay không sạch.
Tất nhiên cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có thêm một số trách nhiệm khác. Ngoài việc đưa ra những tiêu chuẩn thì có thể xây dựng những giải pháp để hỗ trợ nông dân có hiểu biết tốt hơn, ví dụ như cách sử dụng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế là canh tác trong điều kiện, khí hậu nhiệt đới mà thiếu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thì gần như là không thể. Nhưng tất cả hóa chất phải được sử dụng giới hạn an toàn (ví dụ như rau quả nên được thu hoạch sau một thời hạn nào đó).
Với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, như ở Trung Quốc là một cái nước ngay gần chúng ta họ đã làm. Đó là xây dựng những tiêu chuẩn để có thể truy xuất được nguồn gốc. Nhờ đó, tôi có thể biết được bó rau được trồng ở nhà nào, thửa nào và ai thu hoạch.
Và khi biết nguồn gốc như vậy, cũng giúp tăng thêm trách nhiệm của người nông dân, của người sản xuất, của người thu mua và chế biến ra nó. Và tôi nghĩ đó mới là chuyện quan trọng.
Chúng ta thôi đừng chỉ tay vào nông thôn và nói với những người nông dân rằng họ làm không sạch. Họ làm cái nọ, cái kia như là một cách làm hại cho đô thị.
Tôi nghĩ, trân trọng những gì ở nông thôn, trân trọng những người nông dân là chuyện rất quan trọng mà chúng ta phải học và phải làm ngay từ bây giờ./.