Chuyên gia kinh tế nói gì về nguy cơ tiềm ẩn của trái phiếu bất động sản?

Lượng trái phiếu 3 không: không tài sản đảm bảo - không xếp hạng tín nhiệm - không bảo lãnh thanh toán” chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tập trái phiếu huy động của doanh nghiệp...

Ảnh nh họa

Tại buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022 chiều ngày 15/1, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua rà soát có 4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Dream Republic, Công ty Cổ phần Sheen Mega và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh. Đến nay không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.

Mặt khác, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 80 đợt phát hành riêng lẻ trong nước với tổng giá trị huy động 65.757 tỷ đồng.

Trong đó ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành có khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,4% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng. Cũng tại số liệu này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) vay 2.700 tỷ đồng với thời gian phát hành là 5/7/2021 và 20/9/2021.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: 'Nguy cơ của việc phát hành trái phiếu BĐS đã phát sinh từ 2 năm nay và ngày càng trở nên nguy hiểm vì lượng huy động từ các doanh nghiệp BĐS ngày càng lớn, đặc biệt lượng trái phiếu “3 không: không tài sản đảm bảo - không xếp hạng tín nhiệm - không bảo lãnh thanh toán” chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tập trái phiếu huy động của doanh nghiệp BĐS. Chính vì lẽ đó Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã có yêu cầu về việc siết chặt trái phiếu BĐS nói riêng và trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trong đó đặc biệt là có sửa các nghị định liên quan đến phát hành trái phiếu này.

 

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các doanh nghiệp BĐS cầm nhiều trái phiếu nếu vào trường hợp khó có khả năng trả nợ sẽ dẫn đến khả năng vỡ nợ là lớn.

'Một doanh nghiệp thì không ảnh hưởng nhưng nếu vào tình huống nhiều doanh nghiệp vỡ nợ không trả được trái phiếu thì không chỉ gây nguy hiểm cho thị trường trái phiếu mà còn gây nguy hiểm cho thị trường trái phiếu tiền tệ vì khi đó không còn ai giám vào thị trường này. Những ai người ta đang nắm giữ các loại trái phiếu tương tự như vậy người ta sẽ bán tháo để bảo toàn tài sản  mà đã bán tống bán tháo thì sẽ xuống giá, thị trường cũng từ đó xuống. Nguy hiểm nhất là không có vốn vào thị trường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

 

Những vấn đề nêu trên gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã đến lúc cần phải áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu tình trạng này như: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xây dựng chính sách pháp luật đấu giá tài sản phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại; Quy định trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất cần chặt chẽ để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức thông đồng trong quá trình tổ chức đấu giá, gây thất thu cho ngân sách; 

Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đặc biệt, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường./.