Chuyển động thị trường: Diễn biến đảo chiều của chứng khoán trong nước và quốc tế

Động thái sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua không đặt áp lực nhiều lên thị trường chứng khoán trong nước dựa trên triển vọng của nền kinh tế Việt Nam...

Cán cân thương mại Việt Nam đổi chiều trong tháng 5 (Ảnh: CafeF)

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Thông tin trong nước và quốc tế

Tác động kinh tế từ dịch COVID-19 có thể đẩy thêm gần 400 triệu người xuống dưới ngưỡng cực nghèo, qua đó nâng tổng số người sống với chưa đến 1,9 USD/ngày lên hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. 

Số giờ làm việc trong quý 1/2020 trên toàn cầu bị sụt giảm là 4,5% so với quý 4/2019. Tổ chức Lao động quốc tế dự báo: hết quý 2, số giờ làm việc toàn cầu sẽ sụt giảm khoảng 10,5%, tương đương với 305 triệu việc làm. 

Các quốc gia EU bị thiệt hại tới 15 tỷ euro mỗi năm về ngân sách và doanh thu do sự có mặt của hàng giả trên thị trường của khối này. 

Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung có giá trị cao kỷ lục gần 32 nghìn tỷ yên (tương đương 298 tỷ USD). 

Tin trong nước: Giá xăng vừa tăng lần thứ 3 liên tiếp từ chiều nay. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, giá xăng E5RON92 khoảng 13.390 đồng/lít; xăng RON95 khoảng 14.080 đồng/lít. 

Theo Tổng cục Hải quan, thống kê trong kỳ 2 tháng 5, cán cân thương mại cả nước thặng dư 1,98 tỷ USD, đưa Việt Nam từ mức thâm hụt trong kỳ 1 tháng 5 sang thặng dư 1,01 tỷ USD tính chung cả tháng. 

Hơn 600 doanh nghiệp của cả nước vừa được trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020. Sự kiện vừa được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng nay.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trượt nhẹ 0,74% trong phiên giao dịch 12/6 còn Topix giảm sâu hơn 1,17% (Ảnh: AFP)

Thị trường chứng khoán

Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á đồng loạt rớt điểm trong phiên giao dịch 12/6 sau khi Phố Wall đêm qua hứng chịu phiên lao dốc do lo ngại làn sóng Covid-19 thứ 2 lan rộng. Cụ thể, chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt điểm mạnh nhất khu vực với mức giảm 2,37%. Chỉ số Hang Seng Hong Kong cũng trượt 1,3%. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục và chỉ số Nikkei Nhật Bản cũng nhuốm đỏ khi giảm lần lượt 0,38% và 0,74%. 

Tại thị trường trong nước, phiên giao dịch 12/6 diễn ra với những biến động trái chiều. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 3,85 điểm xuống 863 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,73% lên 116 điểm và UPCom-Index tăng 0,02% lên 55,95 điểm. Trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng 6,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 250 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp với giá trị 13,31 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị 577 triệu đồng. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn trong trạng thái phân hóa khi các mã xanh đỏ khá cân bằng. STB, BID dẫn đầu phe tăng. Trong khi LPB đứng đầu phe giảm với sắc đỏ trên 4%, VCB và VIB có cùng mức lùi trên 2%. 

Ngoài SSI ra thì SHS cũng là một điểm sáng tại nhóm chứng khoán, khi mã được kéo lên trần và có dư mua vượt trội dư bán. Trong khi đó, 2 ông lớn VND và HCM cũng được kéo về tham chiếu. 

Một trong những nhóm ngành ít bị tác động trong phiên hôm nay là nhóm nhựa và hóa chất. PLP dẫn đầu với sắc tím, DGC xanh điểm mạnh trên 4%, LIX tăng vượt 3%.

Theo nhận định của Cty CP Chứng khoán SSI, một số cổ phiếu đầu ngành có diễn biến khả quan so với mặt bằng chung bao gồm HBC, HSG (tăng trần),… Trong nhóm 14 cổ phiếu thuộc danh mục VN Diamond, chỉ có 2 mã giảm điểm với biên độ không đáng kể, trong khi nhiều cổ phiếu cho mức tăng tốt như MWG (+3.4%), FPT (+2.2%), DXG (+3.9%),.. phần nào phản ánh nhu cầu tốt đối với chứng chỉ quỹ của VFM VN Diamond, đặt biệt là từ khối ngoại. Tính từ thời điểm bắt đầu giao dịch trên sàn HOSE cho đến hôm nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.236 tỷ đồng.

Diễn biến đảo chiều của chứng khoán trong nước và quốc tế trong tuần qua

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần ba tháng qua. Vào thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 11 tháng 6, chỉ số Dow Jones giảm tới 6,9%, về mức hơn 25.128 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,7% xuống còn hơn 3.002 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 5,3%, về mức hơn 9.492 điểm. Giá cổ phiếu trung bình của các “ông lớn” đã chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 16 tháng 3, khi tất cả đều giảm hơn 11%.

Lý giải nguyên nhân do các nhà giao dịch tài chính quan ngại về số ca nhập viện do Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, ông Art Hogan, Chiến lược gia hàng đầu của công ty tài chính Mỹ National Securities cũng khuyên các nhà đầu tư nên có cái nhìn tích cực trong dài hạn: "Tôi sẽ không bao giờ nói rằng nên bán mọi thứ và hãy chờ đợi một trạng thái thiết lập mới. Tôi nghĩ rằng bạn nên phân bổ vốn chủ sở hữu và điều này sẽ giúp bạn thấy hài lòng với kế hoạch đầu tư dài hạn".

Cùng thế đảo chiều với chứng khoán Mỹ, chỉ số VN-Index đã giảm nhẹ 4 phiên liên tiếp những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn, Giám đốc công ty chứng khoán MBS cho rằng, động thái sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua không đặt áp lực nhiều lên thị trường chứng khoán trong nước dựa trên triển vọng của nền kinh tế Việt Nam: "Các nhà đầu tư hiện nay có sự điềm tĩnh hơn rất nhiều. Mặc dù trong phiên hôm qua thì thị trường chứng khoán Mỹ đã suy giảm rất mạnh với xu hướng giảm rất sâu. Tuy nhiên thì tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức độ vừa phải hài hòa trong phiên giao dịch hôm nay".

Ông Hoàng Công Tuấn cũng cho rằng, xu hướng giảm nhẹ này là tất yếu bởi lẽ: "Hiện tại đã đến kỳ hạn để công bố báo cáo tài chính quý 2 của các doanh nghiệp. Do đó, các nhà đầu tư đặc biệt là những nhà đầu tư khôn ngoan, đang có xu hướng chốt lời những mã cổ phiếu mà kết quả kinh doanh quý 2 kém thuận lợi và đồng thời đã có mức tăng giá khá là mạnh rồi thì đấy yếu tố gây ra cái nhịp điều chỉnh giảm mạnh hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3, 4 phiên vừa qua".

Chuyên gia này cũng cho rằng, nhịp điều chỉnh này chưa biết sẽ giảm xuống mức độ nào, tuy nhiên đây là những nhịp điều chỉnh trong một xu hướng đi lên tổng thể của thị trường trong dài hạn, và cũng là cơ hội mà nhà đầu tư nên quan tâm xem xét./.