Chuyển đổi xanh trong giao thông: Chính sách hỗ trợ cần những bước đi cụ thể

Trong khi các nước, việc chuyển đổi xanh trong giao thông đã được thực hiện cách đây hàng chục năm, thì tại Việt Nam, việc chuyển đổi xanh mới được đặt ra tại Quyết định số 876 năm 2022 của Thủ tướng.

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong giao thông, cần chính sách hỗ trợ như thế nào? Đường bộ - lĩnh vực chiếm tới 85% lượng phát thải khí CO2 – cần được quan tâm, ưu đãi ra sao?

PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT xung quanh nội dung này.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

PV: Theo bà, việc chuyển đổi xanh trong giao thông đang diễn ra như thế nào và đâu là những điểm vướng mắc trong quá trình chuyển đổi này?

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền: Cho đến nay thì 57 trên 63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động về thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ và hai bộ, ngành đã ban hành được kế hoạch hành động này. Còn lại thì một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố đang rất nỗ lực để xây, nhưng họ sẽ sớm hoàn thành kế hoạch hành động.

Đối với Việt Nam thì mới là bước khởi đầu, trong khi trên thế giới, chuyển đổi xanh đã được triển khai ít hay nhiều, ở các mức độ khác nhau thì cũng được hơn 10 năm nay rồi.

Vì vậy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, từ thể chế, chính sách cho đến nhận thức của toàn xã hội đối với nhiệm vụ về chuyển đổi xanh, chúng ta đều cần phải tiến hành từ đầu. Vì vậy, thách thức lớn nhất chính là việc hoàn thiện toàn bộ khung thể chế pháp lý và các cơ chế chính sách để chuyển đổi xanh được thực hiện.

Ảnh nh họa

PV: Trong số những giải pháp thực hiện, các chính sách để phát triển xe điện có ý nghĩa như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền: Riêng trong lĩnh vực phát thải trong toàn ngành giao thông vận tải thì tại thời điểm xây dựng Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, thì lĩnh vực giao thông đường bộ chịu trách nhiệm về phát thải khí nhà kính lớn nhất trong tất cả 5 phương thức vận tải, sắt, sông, đường bộ, hàng không và đường thủy.

Ở lĩnh vực đường bộ, theo thống kê thì phải chịu trách nhiệm đến 80% lượng khí phát thải CO2 và theo cái kiểm kê phát thải năm 2014 và vừa rồi Bộ Tài nguyên vừa công bố kiểm kê phát thải năm 2020 mới nhất, thì lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ chịu trách nhiệm đến 85% lượng phát thải, tức là tương đương với 32 triệu tấn CO2 quy đổi trong tổng số gần 38 triệu tấn CO2 phát thải của ngành giao thông vận tải.

Vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ là rất quan trọng. Cho tới nay, công nghệ của chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải thì khả thi nhất là đường bộ. Bên cạnh việc phát thải một lượng lớn nhất, thì nó cũng là một lĩnh vực khả thi nhất để chuyển đổi. Bởi vì các công nghệ cũng đã sẵn sàng, việc chuyển đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ là một phần hết sức quan trọng trong việc thực thi nỗ lực giảm phát thải dòng về 0 của ngành giao thông vận tải.

PV: Vậy thì cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để có thể thực hiện?

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền: Cho đến nay, các chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi về xe điện, về mặt chủ trương thì rất mạnh mẽ, rõ ràng, lộ trình chúng ta đã có, tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chỉ dừng ở một số các chính sách hỗ trợ về mặt thuế tiêu thụ đặc biệt và một số các loại thuế trước bạ.

Vì vậy, thời gian tới, rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là về mặt chính sách để hỗ trợ chuyển đổi thành công phương tiện điện.

PV: Cụ thể hơn, bà có thể biết chúng ta có thể thực hiện các chính sách nào trước mắt?

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền: Theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi điện thành công thì tiên quyết đó là hạ tầng trạm sạc; một đồng đầu tư cho hạ tầng trạm sạc thì sẽ đem lại hiệu quả bằng 1,5 lần cho đầu tư hỗ trợ cho phương tiện. Vì vậy, các nỗ lực và các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi điện của Chính phủ nên tập trung vào cái hỗ trợ cho việc xây dựng các trạm sạc. Điều thứ hai là chúng ta cũng cần phải có những chính sách để khuyến khích việc sản xuất phương tiện điện, đặc biệt là sản xuất phương tiện điện trong nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những chiến dịch tuyên truyền nhận thức để xã hội có những thông tin đầy đủ, đúng đắn về những hiệu quả, lợi ích của các phương tiện điện, từ đó thì họ sẽ có những cái ủng hộ chủ trương về chuyển đổi phương tiện sử dụng điện.

PV: Xin cảm ơn bà!