Chương trình giáo dục phổ thông mới: 'Giảm tải' như thế nào?

Chương trình giáo dục phổ thông mới có thực sự giảm tải, áp lực học hành liệu có còn đè nặng lên học sinh hay không?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

 
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đem lại nhiều thay đổi. Ảnh nh họa

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2020 – 2021. Chương trình sẽ có nhiều khác biệt so với chương trình hiện hành.

Nhưng điều mà dư luận quan tâm hơn cả, đó là với những thay đổi lớn như vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới có thực sự giảm tải, áp lực học hành liệu có còn đè nặng lên học sinh hay không?

Hơn 20 năm nay, 2 từ “quá tải” trong giáo dục phổ thông đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của học sinh, mà còn cả cho giáo viên và phụ huynh. Sự quá tải trong chương trình đã tạo ra áp lực lớn.

Do vậy, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, một câu hỏi được đặt ra: Việc học sẽ được giảm tải như thế nào? Áp lực thi cử, áp lực thành tích đã được giải quyết ra sao?

Để giải bài toán này, 6 giải pháp đã được nhóm xây dựng đưa ra, trong đó quan trọng nhất, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Hữu Độ, đó là các kiến thức kinh viện nặng về lý thuyết sẽ được giảm thiểu: “Giảm tải là giảm những bài toán khó hoặc những kiến thức quá không cần thiết. Chỉ đưa ra những kiến thức nền tảng thôi. Cái thứ hai là những nội dung kiến thức mà có thể liên quan đến nhau thì tổ chức lại để phù hợp với tư duy, nhận thức của học sinh. Thứ ba là đổi mới phương pháp và cách dạy để cho học sinh thấy chương trình học mới, hấp dẫn, không thấy quá tải trên tinh thần là giúp học sinh tự khám phá, trải nghiệm và thực hành. Học sinh hiểu kiến thức thì sẽ không cảm thấy bị áp lực”

Không chỉ giảm tải kiến thức phổ thông, chương trình giáo dục mới còn giảm tải số môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, cấp tiểu học, lớp 1-2 có 7 môn học, giảm 3 môn; lớp 3 có 9 môn học, giảm 1 môn; lớp 4 có 5 môn học, giảm 1 môn so với chương trình năm 2005. Ở cấp THCS còn 12 môn, so với lớp 6-7 có 16 môn học, lớp 8-9 có 17 môn học hiện nay. Ở cấp THPT, các lớp đều có 12 môn học, giảm 4-5 môn.

Bên cạnh đó, số giờ học cũng được giảm đáng kể. Và để giảm số môn, số giờ học này, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ thông, Bộ GD-ĐT, nhiều môn học đã được tổ chức lại theo hướng tích hợp và liên môn:

“Có những môn học kiến thức gần nhau thì sẽ được thiết kế thành một môn để làm sao thuận lợi cho việc tiếp thu kiến thức học tập cũng như vận dụng của học sinh. Ví dụ như môn Lịch sử, Địa lý thì thiết kế thành môn chung “Lịch sử và Địa lý”; môn Vật lý – hóa học – sinh học thì thiết kế thành môn Khoa học tự nhiên”.

Ts.Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh, chương trình mới là chương trình mở, cho phép học sinh lựa chọn nội dung học ở cả 3 cấp và lựa chọn môn học ở cấp THPT. Vì vậy, song song với đó là đổi mới cả ở nội dung và phương pháp học. Trong đó, học sinh sẽ phải tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống. Thầy cô sẽ đóng vai trò hướng dẫn. “Chúng ta sẽ phải đổi mới cách dạy học, tạo cho học sinh phương pháp để học kiến thức và biết vận dụng chúng vào cuộc sống thường ngày”, Ts.Nguyễn Xuân Thành nói

Việc giảm tải kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đồng nghĩa với việc đổi mới cách đánh giá kết quả học tập từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh. Như chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Văn học, chương trình giáo dục phổ thông mới: “Tôi ví dụ như môn Văn. Sẽ có nhiều tác phẩm cho phép học sinh lựa chọn: tác giả, sách giáo khoa v.v… Nhưng khi kiểm tra, người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu, hướng dẫn, cách đọc các thể loại văn học rồi chọn 1 tác phẩm không có trong sách. Như thế ta sẽ đánh giá được năng lực vận dụng của các em”.

Tuy nhiên, để học sinh thực sự được giảm tải, câu chuyện không chỉ dừng ở đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy, mà còn nằm ở nhận thức của chính cha mẹ học sinh.

Phụ huynh cần giúp con lên kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực bên ngoài giờ học ở trường.