Chúng ta đã làm gì với bộ mặt kiến trúc Thủ đô?

Nếu ở Hà Nội đủ lâu, người ta sẽ thấy sự thay đổi của bộ mặt Thủ đô mỗi ngày một rõ rệt, nhưng với những người gắn bó với mảnh đất này, có lẽ sự biến đổi ấy không phải là một điều tích cực...

Nếu ở Hà Nội đủ lâu, người ta sẽ thấy sự thay đổi của bộ mặt Thủ đô mỗi ngày một rõ rệt.

Nhưng với những người gắn bó với mảnh đất này, có lẽ sự biến đổi ấy không phải là một điều tích cực...

Mỗi khi du khách tới Thủ đô Hà Nội đều muốn tìm đến phố cổ như một cách để hiểu về cuộc sống và không gian sinh hoạt của người dân bản địa. Thế nhưng giờ đây, rất khó để định nghĩa được bộ mặt của Thủ đô - cụ thể là kiến trúc được quy hoạch theo phong cách nào...???
Ở Hà Nội, có lẽ những căn nhà lâu nhất đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Lâu dần thì người ta cho đó là kiến trúc đặc trưng và là niềm tự hào của người Hà Nội. Xét về một khía cạnh nào đó, điều này là đúng, khi những công trình này đều được các kiến trúc sư thời đó nghiên cứu rất kỹ lưỡng về văn hoá bản địa, thời tiết khí hậu, kiến trúc cũ bản địa để cho ra đời những công trình rất phù hợp với không gian sống của đất kinh thành xưa. Rồi lâu dần, nó trở thành một phần gắn bó với văn hoá, lối sống và là biểu tượng của kiến trúc Thủ đô
Thế rồi qua thời gian, với đủ lý do, những không gian sống vốn thoáng đãng của những ngôi biệt thự đẹp đẽ dần bị chia năm, xẻ bảy từ bên trong; biến thành những khu ổ chuột khiến người ngoài khó có thể tưởng tượng nổi
Nhưng vì là thuộc không gian phố cổ, cần phải "bảo tồn" nên những căn nhà đó không được phép sửa chữa; hoặc nếu được phép thì người dân cũng không đủ điều kiện để sửa theo những quy định nghiêm ngặt về bảo tồn của thành phố. Nên dần xuống cấp và trở thành nỗi ám ảnh, cực hình cho những người sống trong nó
Một không gian sống trong khu tập thể giữa phố cổ Hà Nội
Cách đây không lâu, căn biệt thự bỏ hoang nhiều năm nằm ở ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, thuộc quận Hoàn Kiếm được trùng tu. Sau khi hoàn thành, công bố với cộng đồng thì nhận được nhiều ý kiến chê cười hơn là khen ngợi. Có lẽ nhiều người cười vì nhìn quá xa lạ, đặc biệt "vênh" hẳn với không gian, nhà cửa xung quanh nó. Nhưng có lẽ, những người có trách nhiệm để cho những toà nhà nham nhở mỗi ngày lại mọc lên bên cạnh, trên khắp đường phố, với lối kiến trúc chẳng giống ai nên tự thấy xấu hổ khi đang góp phần làm xấu đi bộ mặt kiến trúc Thủ đô
Hà Nội vẫn tự hào khi phố Tạ Hiện là con phố đầu tiên được tu sửa một cách đồng bộ để một phần phục vụ du lịch. Nhưng thực sự mỗi lần đi qua con phố này, không thể nói là có cảm giác đi dạo ở phố cổ Hà Nội quen thuộc, mà giống như ở Hội An, hay một khu phố nào đó ở ngoài nước...
Một bên bảo tồn, một bên xây mới, với đủ thứ "phong cách" mạnh ai nấy làm khiến bộ mặt kiến trúc Thủ đô luôn cho cảm giác nhếch nhác, thiếu đi nét đặc trưng của riêng mình
Những toà nhà hình hộp mọc lên ngày càng nhiều xung quanh Hồ Gươm
Do nhu cầu cuộc sống, những căn biệt thự cũ, vốn là niềm tự hào của phố cổ Hà Nội giờ trở nên nham nhở khi người ta cơi nới, cải tạo để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh
Không biết gọi đây là lối quy hoạch nào?
Rất khó để định nghĩa hay gọi tên kiến trúc Thủ đô ngày nay
Toà nhà "hàm cá mập" được xây dựng ngay cạnh Hồ Gươm đã gây nên rất nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, về kiến trúc, về sự phù hợp... và cuối cùng qua bao năm tháng nó vẫn nằm ở đây, giống như một nốt mụn ruồi không thể tẩy trên mặt của cô thiếu nữ xinh đẹp
Bách hoá tổng hợp Bờ Hồ - một trong những công trình quen thuộc của người Hà Nội, sau khi xây lại cách đây khoảng 20 năm. Rất khó để gọi tên chính xác phong cách kiến trúc của toà nhà này, khi mỗi chi tiết lại gợi lên một điều gì đó quen quen trong sách. Nhưng cuối cùng lại chẳng thể biết nó thuộc trường phái nào
Rạp Kim Đồng, nằm cuối đường Hàng Bài, ngay sát Hồ Hoàn Kiếm. Có lẽ với không gian xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, cần có một công trình nào đó dễ nhìn hơn
Và mỗi ngày, người ta lại thấy những công trình mới mọc lên, và không cần quan tâm tới sự phù hợp với không gian, kiến trúc cũ xung quanh.
Để cuối cùng, như đã nói, chẳng thể định nghĩa, gọi tên chính xác được bộ mặt quy hoạch kiến trúc Thủ đô hiện nay là gì..??? Có lẽ là "nhếch nhác" chăng?
Gần đây, thành phố có thêm một nhà hát mới, cũng nằm ngay sát Hồ Gươm. Thoạt nhìn có vẻ đẹp, nhưng nếu nhìn kỹ những chi tiết từ cột kèo, mái nhà, đến tổng thể, cứ cho cảm giác giống như đã nhìn thấy, bắt gặp ở đâu đó... Mà không phải ở Hà Nội, không phải ở Việt Nam, và không phải ở thời đại này... Một chút cột kèo kiến trúc Gothic Phục Hưng, thêm tí Hy Lạp - La Mã, lại pha thêm vài nét kiến trúc Châu Âu cổ điển... khiến người ta đi qua cứ phải "ngả mũ chào", vì quen quá...
Một toà nhà hành chính nằm trên phố Hai Bà Trưng với lối kiến trúc tương tự, được xây mới trên không gian cũ là các toà nhà cũ thời Pháp....
Đặc trưng của lối kiến trúc Châu Âu cổ với mái ngói và sự pha trộn của kiến trúc thời Pháp thuộc cùng cột kèo kiểu La Mã... Thiết kế như vậy thì có dễ quá không nhỉ?
Một công trình sắp hoàn thành ngay bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, hy vọng rằng khi khánh thành, nó không quá khác biệt so với không gian xung quanh...