Chúng sinh muốn gì?

Mỗi khi có một vị tu hành vướng vào những chuyện thị phi về hình ảnh, lối sống, như thường lệ, lại khiến dư luận ồn ào, bức xúc. Tuy nhiên, nếu những hành vi, biểu hiện của các nhà tu hành đó không vi phạm luật pháp, thì họ không có lỗi.

Có chăng, họ chỉ có lỗi đối với những người đã tin vào một hình ảnh khác của những vị tu hành.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy các nhà tu hành lao mình vào chốn thị phi và bày ra trước công chúng những hình ảnh phản cảm.

Bởi, những nhà tu hành thực chất là những người phục dịch các thiết chế tôn giáo mà cộng đồng tin tưởng và thờ phụng. Họ là một phần của hình ảnh phản chiếu những mong muốn của cộng đồng.

Khởi thủy của niềm tin tôn giáo là sự hám lợi của con người. Những cư dân vùng đầm lầy nhiệt đới ngày xưa thờ thần rắn, ngư dân duyên hải thờ cá voi đều với mong muốn được thương xót, chở che, được nương nhờ, ưu ái…

Những giá trị lợi ích khác nhau của con người trên thế gian tạo ra những niềm tin tôn giáo khác nhau. “Người cao sang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường” và giá trị sống của một cộng đồng sẽ quyết định bộ mặt của tôn giáo mà họ theo đuổi.

Ảnh nh hoạ

Chúng sinh đang mơ ước điều gì? Nếu chúng sinh tin tưởng vào Phật giáo, chúng sinh tìm tới chùa chiền để bày tỏ điều mong ước của mình qua những lời cầu khấn. Những lời cầu khấn đó có thể đến tai Đức Phật, hoặc không.

Nhưng nó sẽ đến tai những thầy chùa trong vai trò cầu nối, những người được cho là có sứ mệnh phổ biến triết lý Phật giáo tới chúng sinh.

Nếu những điều chúng sinh cầu khấn là sự an lạc của tâm hồn, các thầy chùa sẽ cố gắng để chúng sinh nhìn thấy điều đó. Nếu chúng sinh cầu khấn quyền lực, các thầy chùa sẽ cố gắng chứng mình chúng ta có thể nhìn thấy quyền lực của thầy.

Và nếu chúng sinh cầu khấn sự giàu sang thì các thầy chùa sẽ xuất hiện trong hình dáng béo tốt mỡ màng của người giàu có.

Các vị sư, vì thế sẽ không bao giờ thấy mình có lỗi khi họ đang chỉ đang cố gắng thể hiện mong muốn của chúng sinh.

Hành động phá giới của các thầy chùa không bao giờ có khả năng phỉ báng niềm tin tôn giáo mà người ta thờ phụng. Hình ảnh của họ, tốt hay xấu, cũng chỉ là sự phản chiếu niềm tin của công chúng mà thôi. Nên, khi thấy các thầy chùa cư xử phản cảm, thực ra, chúng sinh nên nhận ra sự phản cảm trong chính những mong muốn của bản thân.

Nếu chúng sinh muốn nhìn thấy các vị sư trong dáng hình khổ hạnh, thì đừng nên mang tiền bạc đến chùa làm phiền họ, đánh động không gian tu hành của họ. Đức Phật thủa xưa từ bỏ cung điện để tìm kiếm chân lý trong cuộc sống tối giản.

Nếu ngài mong muốn tiền bạc, mong muốn những lợi ích vật chất từ chúng sinh, ngài đã chẳng từ bỏ mọi thứ mình có để trở thành Đức Phật.

Chúng sinh góp tiền cúng dường để các nhà sư xây những ngôi chùa nguy nga hào nhoáng rồi muốn các nhà sư sống trong đó phải giản dị từ bi. Tôi nghĩ, có lẽ chúng sinh đã sai rồi.